Họa sĩ Phạm Văn Nghĩa

Nghĩa Phạm và lối rẽ định mệnh

HỌA SỸ PHẠM VĂN NGHĨA

Sinh năm: 1979 tại Nga Sơn, Thanh Hóa

Tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa năm 1999

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2005

Giải thưởng:

  • Giải Nhất biểu tượng vui Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13
  • Giải Nhất biểu trưng hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ 7 năm 2008
  • Giải Khuyến khích tác phẩm tranh cổ động chào mừng 15 năm quan hệ Việt Nam – EC do Liên minh Châu Âu tại Việt Nam trao trặng năm 2002
  • Giải Khuyến khích tác phẩm áp – phích về phòng chống ma túy năm 2001
  • Tặng thưởng Hội mỹ thuật Việt Nam và Hà Nội cho các tác phẩm áp – phích xuất sắc Sea Games 22 năm 2003

Hoạt động nghệ thuật:

  • Triển lãm nhóm sinh viên trẻ tại Hà Nội năm 2000
  • Triển lãm nhóm Hà Nội năm 2001
  • Triển lãm nhóm các họa sỹ trẻ tại Hà Nội năm 2002
  • Tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật Thủ đô năm 2017
  • Triển lãm nhóm “36 cộng” tại Hà Nội năm 2019

NGHĨA PHẠM VÀ LỐI RẼ ĐỊNH MỆNH

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, họa sỹ Nghĩa Phạm có gần chục năm phụ trách thiết kế cho một doanh nghiệp phần mềm tên tuổi trước khi gắn bó với tranh sơn mài. Trước sơn mài, anh cũng từng dành nhiều nhiệt huyết với tranh sơn dầu, tranh được nhiều nhà sưu tầm uy tín trong và ngoài nước yêu thích. Thế nhưng, có cái gì đó chưa đã, chưa thỏa mãn, chưa tới mà anh vẫn tìm kiếm trong hội họa. Khi đắm chìm với sơn mài cùng những chất liệu tự nhiên như vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ ốc, cửu không, vỏ trai, sơn then, sơn cánh gián,… – Nghĩa Phạm khám phá được một hạt địa mới và khám phá chính mình. Với anh, việc bỏ một chỗ làm tốt để trở thành họa sỹ sơn mài được xem như một lối rẽ định mệnh, đầy cơ duyên.

Bén duyên với sơn mài chưa lâu, nhưng bằng lối vẽ kỹ càng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm tranh sơn mài truyền thống, Nghĩa Phạm đã chạm đến và giúp người thưởng tranh chạm đến những xúc cảm, rung động đặc biệt mà tranh sơn mài có thể mang lại cho người xem.

Đề tài trong tranh sơn mài của Nghĩa Phạm chủ yếu là thiên nhiên, hoa lá, một số bức trừu tượng vượt khỏi sự kiểm soát của chính tác giả, đạt đến độ mà chính anh không thể hình dung.

Cùng với mận, phong cảnh, trừu tượng, sen chiếm một vị trí đặc biệt trong tranh sơn mài Nghĩa Phạm. Về màu sắc, những bức sen được cởi bỏ hoàn toàn bởi khuôn mẫu cũ, không đơn thuần là “Nhị vàng bông trắng lá xanh”. Về hình khối, sen được biểu hiện trong cả thời kỳ viên mãn hoặc lụi tàn, nên có thể khỏe khoắn, tràn đầy sinh khí hoặc xác xơ tận cùng phai úa. Nhiều bức sen của Nghĩa Phạm gợi lên rung cảm đặc biệt, chiều sâu của không gian được tạo lên bởi hàng chục lớp sơn, lớp mầu và nguyên liệu truyền thống vẫn giúp người xem cảm được nét đẹp, xúc cảm và tác giả gửi gắm. Những lớp lang vô biên ấy, có khi lại ẩn dưới một mặt tranh mịn và nhẵn thín như gương. Miết tay vào bề mặt một bức sơn mài, cái lành lạnh của vàng, của bạc, của vỏ ốc, của vỏ trai, … dần tan biến; cảm giác ngỡ ngàng khi cảm được nông sâu, trầm bổng, âm vang, … xâm chiếm.

Sơn mài không bao giờ là thứ tranh mà người ta có thể đặt hàng, hẹn ngày rồi ung dung đến lấy. Tranh có khô được hay không, những lớp lang có đúng như ý muốn hay không, màu sắc có lên đúng ý định hay không, ngoài sự tài hoa của nghệ sỹ, còn phụ thuộc… ông trời. Nghĩa Phạm tuân thủ tuyệt đối quy trình sơn mài truyền thống, anh không bỏ qua hay không “đốt cháy giai đoạn”, ăn gian bất cứ quy trình nào. Có chút khác biệt, là họa sỹ phải có được sự cảm nhận tinh tế để biết, với chi tiết này, quá trình mài chỉ là từng ấy; với chi tiết kia, mài 1 lớp rồi, chưa ưng, lại bồi vẽ tiếp, lại mài. Những mảng màu sáng – tối, nông – sâu,  nóng – lạnh, xa – gần, … tất cả đều cần tiên lượng chứ không phải cứ làm là có, cứ lâu là thành.

Đến với sơn mài, ngoài cái háo hức khám phá của một “người mới”, Nghĩa Phạm còn có cả sự cầu toàn và tham vọng của người muốn chinh phục một trong những di sản độc đáo của dân tộc. Vừa làm, anh vừa học hỏi, khám phá và điều chỉnh chính bản thân mình. Mỗi chặng đường ấy, những tác phẩm ra đời cũng đánh dấu sự trưởng thành, ghi dấu độ chín dần của người họa sỹ.

Với quan điểm “Đích đến của nghệ thuật nằm trên đường chúng ta đi”, họa sỹ Nghĩa Phạm cho rằng với anh không có tác phẩm nào là đỉnh cao, không có tác phẩm nào là sau cuối, tác phẩm nào cũng có thể chỉ là một phác thảo. Mỗi ngày, anh vẫn tự học hỏi, tự trau dồi, với niềm tin tác phẩm tuyệt vời nhất là tác phẩm còn ở phía trước.

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter