Họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng

HỌA SĨ NGUYỄN HUY HOÀNG

  • Sinh năm 1963 tại Hà Nội
  • Tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1986
  • Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam
  • Giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam – Asean 1998; 1999

Các Triển lãm tiêu biểu:

  • 2015: “Thánh địa” triển lãm cá nhân sơn mài tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
  • 2006: Triển lãm cá nhân chuyên chất liệu Sơn mài tại Hà Nội
  • 2000 – 2003: “36 ý tưởng từ Châu Á” triển lãm tại Singapore, London, Zurich, Berlin, Paris, Viena
  • 2002: “Đối thoại giữa các nền văn minh” triển lãm tại trụ sở Liên hợp quốc, Geneva – Thụy Sỹ
  • 1999: Triển lãm Mỹ thuật Asean tại Kuala Lumpur – Malaysia
  • 1990, 2000, 2005: Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc

BẢN LĨNH NGUYỄN HUY HOÀNG

Mùa thu, ngày 31/10/1986 danh họa sơn mài nổi tiếng nhất Việt Nam đã từng chia sẻ: “Tranh lớn, không phải là tranh nhỏ phóng lớn. Tranh càng lớn, muốn vẽ được thì nội lực càng phải lớn”. Điều đó rất đúng với những bức tranh sơn mài của họa sỹ Nguyễn Huy Hoàng, hầu hết đều là những bức tranh khổ lớn, kích thước 2m – 4m. Họa sỹ Nguyễn Huy Hoàng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, có cha là họa sỹ Nguyễn Công Độ, nên trong người anh đã có sẵn niềm ham mê với nghệ thuật Hội họa. Anh được bố cho đi học vẽ từ khi lên 4 tuổi tại CLB Hội họa tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Miệt mài và kiên trì theo đuổi tình yêu hội họa của mình trong suốt những năm học phổ thông và Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Tốt nghiệp chuyên nghành Họa sỹ Điện ảnh năm 1986, hơn 15 năm công tác tại Xưởng phim truyện I, họa sỹ đã hun đúc tình yêu Hội họa sơn mài của chính bản thân mình. Anh tự đặt ra những mục tiêu, tự tạo dựng phong cách cho chính mình, tìm tòi – sáng tạo sâu trong bản tâm của chính mình để lắng nghe và tìm ra hướng phát triển phù hợp với bản thân nhất.

Đó chính là hội họa sơn mài truyền thống, bằng tất cả sự đam mê cháy bỏng, sự lao động sáng tạo quyết liệt, muốn làm được sơn mài khổ lớn, phải cần có “Lầm lũi – Lỳ lợm – Liều lĩnh”. Họa sỹ Nguyễn Huy Hoàng đã rất thành công trong năm 1998, 1999 khi những tác phẩm của anh đều đạt giải nhất Mỹ thuật tại Việt Nam và Asean.

Bảng màu của sơn mài truyền thống tự thân nó ít ỏi, tự nó đã có thể biến hóa thành hai màu chủ yếu: Cánh gián và then, rồi từ hai màu này lại có thể tạo ra vô số những sắc nhị và sắc độ khác nhau. Việc tiếp thu truyền thống trong tranh sơn mài của anh là khả năng ứng dụng chất nhựa sơn vào từng tác phẩm. Sơn mài có thể rất phô trương với thế mạnh vàng son lộng lẫy, nó cũng có thể thâm trầm tới lạ lùng khi thể hiện nhiều lớp chồng lên nhau để thể hiện dần theo thời gian.

Trong con người họa sỹ Nguyễn Huy Hoàng luôn mang âm hưởng của tính dân tộc và hơi thở của đương đại, bởi vậy anh coi nghệ thuật sơn mài chính là cây cầu để anh kết nối quá khứ với hiện tại. Bộ sưu tập “Thánh địa” của anh được sáng tác từ năm 2006 – 2014, gồm 11 bức tranh về chủ đề dân tộc Chăm, bằng lối bố cục Đồng hiện, anh đã khéo léo tái hiện đời sống sinh hoạt và thế giới tâm linh của người Chăm.

“Làm nghệ thuật chứ không làm cái để treo lên tường”, với họa sỹ Nguyễn Huy Hoàng ngoài những lúc phải dành thời gian cho gia đình thì anh luôn giành một tình yêu đẹp nhất cho hội họa sơn mài.

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter