Dấu ấn hội họa truyền thống ghi lại từ tranh sơn mài

Không phải ngẫu nhiên mà tranh sơn mài trở thành biểu tượng của hội họa truyền thống  Việt Nam. Sơn mài là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn ta thủ công thành kỹ thuật sơn mài. 

Lịch sử phát triển của nghề sơn mài

Năm 1925, từ các hoành phi câu đối sơn son thếp vàng lâu đời treo tại Văn Miếu Quốc tử giám mà một họa sĩ người nước ngoài đã đề nghị Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đưa sơn ta vào chương trình nghiên cứu và thực tập. Từ đó, chất liệu sơn mài liên tục được sáng tạo từ hai màu truyền thống là cánh gián đỏ và đen, sau này có thêm các vật liệu màu như vàng, bạc, son, then, vỏ trứng, vỏ trai…

Đặc trưng của tranh sơn mài

Chất liệu tranh sơn mài chỉ sử dụng trong trang trí, đã trở thành một chất liệu hội họa, sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, vỏ trứng, ốc, cật tre, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, v.v. vẽ trên nền vóc màu đen, từng bước đưa kỹ thuật mài vào tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. 

Với tranh sơn mài thì kỹ thuật vẽ khá khó và có tính ngẫu nhiên muốn lớp sơn vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao; muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình.

Các công đoạn chính của sơn mài

Có thể nói công nghệ sơn mài chỉ có nguyên lý chung nhưng khác biệt trong kinh nghiệm, kỹ thuật của từng cá nhân, từng gia đình. 

Công đoạn bó hom vóc là dùng đất phù sa hoặc bột đá trộn sơn giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ chống vết rạn xé dọc tấm vải. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không thể thấm nước, không bị mối mọt, không phụ thuộc môi trường làm gỗ co ngót. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có tuổi thọ 400-500 năm.

Công đoạn tạo vóc là công đoạn gắn, dán các chất liệu tạo màu cho tác phẩm trước tiên như: vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc…sau đó phủ sơn rồi lại mài phẳng, tiếp đến dùng màu.

Công đoạn trang trí thường phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để tránh gió thổi với kỹ thuật sơn phủ tượng và đồ nội thất như: hương án, hoành phi, câu đối… cần các nguyên liệu: quỳ vàng, quỳ bạc, tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt.

Mài và đánh bóng: Vì dầu bóng đã pha màu để vẽ nên độ bóng chìm trong cốt màu tạo thành độ sâu thẳm của tranh, do đó sau mỗi lần vẽ phải mài. Người xưa sử dụng lá chuối khô làm giấy nháp.

Công đoạn mài là khâu đánh bóng tranh lần cuối tạo ra điểm độc đáo của tranh sơn mài. Có một số thứ để mài và đánh bóng như: than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà v.v..

Công chúng yêu hội họa ai cũng mừng khi thấy dòng tranh sơn mài truyền thống của dân tộc có những nét mới hứa hẹn sự khởi sắc trước sự sáng tạo không ngừng của lớp họa sĩ trẻ. Nhưng không ít người trong số đó nhanh chóng cảm thấy ái ngại khi biết có họa sĩ chỉ trong vòng 2-3 năm sáng tác ra vài chục bức sơn mài. Con số ấy đã ít nhiều cho thấy chất lượng của tranh thế nào. Bởi theo cách làm sơn mài truyền thống thì để hoàn thành một bức tranh người họa sĩ phải mất đến hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Vậy nhưng, có một điều cần phải nhắc lại là: Thế giới quan tâm đến hội họa Việt Nam chính bởi Việt Nam có chất liệu sơn mài. Những họa sĩ làm tranh sơn mài được thế giới thừa nhận cho đến nay vẫn chỉ là những người trung thành với kỹ thuật truyền thống. Dù những tìm tòi sáng tạo của các họa sĩ có phong phú đa dạng đến thế nào thì tranh sơn mài của Việt Nam chỉ thực sự có giá trị độc đáo khi giữ được chất liệu truyền thống và quy trình sáng tác hoàn toàn thủ công.

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter