Sơn mài – Chất liệu độc đáo để diễn đạt tâm hồn người nghệ sỹ

“Danh từ sơn mài (laquer) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là Sơn Ta nhưng đã biến hoá hẳn do nghệ thuật mài sơn.

Kỹ thuật Sơn Ta cũng tương tự như sơn Tàu, có từ đời nhà Hán. Sử dụng cùng với Sơn Ta một nguyên liệu là sơn sống. Chất sơn sống này, ở nước ta, miền Phú Thọ sản xuất rất nhiều và vẫn bán sang Tàu cùng Nhật.

Từ năm 1931 trở về trước, công dụng Sơn Ta cũng như Sơn Tàu ở Tàu và Sơn Nhật ở Nhật là phủ lên đồ vật làm nó tôn vẻ lộng lẫy, lên những vật dùng thường như cái khay, cái tráp, đôi guốc, đồ thờ như hương án dài, bát đĩa, đồ trang trí như câu đối, hoành phi, bình phong… màu sắc đại để có: đỏ son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc theo cổ truyền. Nói rõ ra, Sơn Ta chỉ có công dụng trang trí, địa vị là ở trong trang trí. Mặc dầu ở Nhật, nghệ thuật sơn có tế nhị hơn cả, nhưng chưa một nước nào nghĩ đến tìm tòi, sử dụng nguyên liệu sơn một cách khác cổ truyền, phiêu lưu trong nghệ thuật sơn để tìm một con đường nào tăng phẩm giá mỹ thuật sơn bằng cách phát minh thêm khả năng của nó.

Song, từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, Sơn Ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ, mà tiến từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả sơn dầu.

Quên dĩ vãng, Sơn Ta đổi tên nhũn nhặn là Sơn Mài”

— Tô Ngọc Vân –

“Từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ “ – Dưới góc nhìn hội họa, Sơn mài được coi là một trong các chất liệu của hội họa.

Đây không chỉ sự phát triển sáng tạo của những họa sĩ Việt Nam, không chỉ là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài điêu luyện trong hội họa mà giờ đây Sơn ta đã trở thành một thuật ngữ thuần Việt gần gũi với nền mỹ thuật Việt Nam.

Sơn mài không chỉ thể hiện dưới góc nhìn kỹ thuật hội họa thông thường như: Bố cục và màu sắc, kỹ năng và cảm xúc, sáng tạo và chuẩn mực; mà trên chất liệu Sơn ta, với kỹ năng thuần thục, điêu luyện, trong quá trình sáng tác, mỗi tác phẩm nghệ thuật được hình thành bằng sự sáng tạo của người họa sĩ, bằng cảm xúc thăng hoa của nghệ thuật.

Những tác phẩm hội họa sơn mài đã làm điêu đứng trái tim của cộng đồng yêu nghệ thuật. Hơn thế nữa, chất liệu sơn mài dễ dàng đi vào tâm trí, cảm niệm của những người dân bình dị, bởi nó gần gũi với đời sống người Việt, người Phương Đông, nó là chất liệu đi từ nền văn minh nông lâm nghiệp bởi vậy nó truyền tải văn hóa, nghệ thuật đến với cộng đồng một cách gần gũi, dễ dàng.

Một trong những điểm kỳ diệu mà không phải bất kỳ một chất liệu hội họa nào có thể so được với Sơn mài, đó là sự duy trì cảm xúc trong một thời gian dài. Mỗi tác phẩm có thể không được hoàn thiện ngay trong thời gian ngắn, mà để hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật trên chất liệu sơn mài đòi hỏi một thời gian rất dài, trải qua rất nhiều công đoạn. Sự thách thức đối với người họa sĩ là phải sáng tạo trong sử dụng chất liệu mà vẫn duy trì cảm xúc cho đến khi tác phẩm hoàn thiện. Khi đó tác phẩm sơn mài mới thực sự là một tác phẩm nghệ thuật.

Bất cứ thông tin nào về các nghệ sĩ, các tác phẩm cũng như các tin tức về nghệ thuật, quý vị đều có thể tìm thấy tại Lunet Art. Nếu quý vị có bất kì thắc mắc nào, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại luart@galeriedelunet.vn

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter