Sơn mài, lụa, toan…là những chất liệu khá quen thuộc mà Phạm Tuấn Tú từng sử dụng. Ở triển lãm lần này, 45 tác phẩm, cả tranh, tượng, tất cả đều là gỗ. Rất nhiều loại gỗ, từ tầm thường tới quý hiếm…nhưng tất cả đều được chính Tú nhặt về từ những đống đồ thải loại, từ những bãi củi đợi đốt lò.
Đã khi nào bạn thử hình dung, những món đồ cũ kĩ như bàn, như ghế, như một tấm cửa hay những con tiện cầu thanh sẽ đi về đâu sau khi được thay thế bởi những món đồ mới? Một só sẽ về với chủ nhân mới, còn phần lớn trở thành rác. Chúng trở thành rác ngay cả khi còn giá trị sử dụng. Phạm Tuấn Tú đã gặp được những thứ gỗ như thế và bắt đầu trở thành một người nhặt nhạnh trong hàng chục năm nay. Có những thứ anh sửa sang lại, có những thứ anh tạo thành vật mới, thành tượng, thành tranh, thành bất cứ thứ gì anh muốn. Anh cho chúng một đời sống mới.
Đó là tái chế? Không. Là TÁI SINH. Không phải là anh tái sinh những món đồ gỗ bỏ đi mà chính những tấm gỗ từng bị xem là rác ấy đã tái sinh một Phạm Tuấn Tú khác trong nghệ thuật. Anh bỏ hết toan, hết sơn và say mê tạo hình với gỗ. Chính những tấm gỗ đã mang đến cho anh niềm hứng khởi mới.
Và một câu chuyện khác có thể sẽ được gợi ý “Từ ngàn xanh”. Cách mà Phạm Tuấn Tú đang làm, có thể chẳng giúp bớt đi những thân cây bị hạ, những cánh rừng bị phá! Nhưng hơn hết, nó có thể giúp ai đó trân trọng hơn vài món đồ cũ của mình, để không vội vã phá bỏ đi khi còn dùng được chỉ để chạy theo những nhu cầu vật chất bất tận trong đời sống hôm nay.