Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo

Tượng đài người nghệ sĩ sáng tác tượng đài

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo – một tượng đài nghệ sĩ với cống hiến lớn lao về tượng đài trên đất nước Việt Nam

Một ngày đông, chúng tôi đến với ngôi nhà nhỏ trong ngõ Hoa Lư, một người nghệ sĩ già – nhưng tâm hồn nghệ sĩ – rất trẻ, một người nghệ sĩ đã liệt một tay do tai biến, đã 80 tuổi nhưng không vì trời lạnh mà ông ngừng sáng tác, lao động nghệ thuật.

Ông vẫn rất vui vẻ, lạc quan đón tiếp chúng tôi, những câu nói đùa nhưng đầy triết lý và quan niệm sống cao đẹp, khiến cho tất thảy thanh niên chúng tôi đều thấy mình quá nhỏ bé so với ông.

Hình ảnh người đàn ông, già nua nhưng vui vẻ, khéo léo và say xưa sáng tác với một tay, còn một tay bị liệt. Quanh ông, rất nhiều tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ mà gia đình đã sắp xếp trưng bày như một bảo tàng thu nhỏ. Hình ảnh này minh chứng cho sức lao động nghệ thuật không mệt mỏi, một suối nguồn làm việc không bao giờ cạn kiệt.

 

“Con người ta sống phải có lý tưởng, có hoài bão, có ước mơ. Con người phải lao động, lao động sáng tạo và để lại cho cuộc đời này những giá trị của lao động chân chính, để lại thật nhiều giá trị lao động thì cuộc đời này mới bền vững mãi mãi theo thời gian” – Ông từ tốn nói một cách đầy tâm huyết.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo từng trải qua chiến tranh, ông đã từng là người lính chiến đấu, với trải nghiệm chiến trường cộng với tình yêu quê hương đất nước, ông đã dành phần lớn đời mình để cống hiến những công trình nghệ thuật lớn lao cho đất nước – những tượng đài chiến thắng, tượng đài tôn vinh anh hùng liệt sĩ, tượng đài ca ngợi sức chiến đấu của con người Việt Nam.

Ông chia sẻ quan điểm nghệ thuật của mình: “Sức mạnh của người nghệ sĩ Việt là văn hóa, ở đâu trên thế giới này thế mạnh vẫn là văn hóa dân tộc truyền thống. Người nghệ sĩ phải biết kết hợp nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hiện đại, làm thế nào cho cả hai nhuần nhuyễn, không bị khô cứng”

Và không đâu xa, với những tác phẩm của mình, ông minh chứng sức mạnh của văn hóa dân tộc được vận dụng sáng tạo để tạo nên những công trình tượng đài lớn lao. Những tượng đài do ông sáng tác không chỉ có giá trị bảo tồn về mặt văn hóa, lịch sử, xã hội mà nó còn có giá trị lớn trong việc lữu trữ những giá trị nghệ thuật tạo hình.

Cho chúng tôi, những người trẻ được tôn vinh ông như một Tượng đài nghệ sĩ – Tượng đài người nghệ sĩ sáng tác tượng đài.

BẢN ĐỒ PHÂN BỐ TƯỢNG ĐÀI – NHỮNG TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA NHÀ ĐIÊU KHẮC TẠ QUANG BẠO

Các tác phẩm tượng đài tiêu biểu như:

Các tác phẩm tượng đài tiêu biểu như:

  1. Phù điêu “Điện Biên Phủ” đặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ –  tỉnh Điện Biên.
  2. Tượng đài và phù điêu “Tưởng niệm Noong Nhai” sáng tác năm 1999, đặt tại xã Thanh Xương, Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
  3. Tượng đài “Hò kéo pháo Điện Biên Phủ” đặt tại tỉnh Điện Biên.
  4. Tượng đài “Hoàng Văn Thụ” năm 1991 đặt tại TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
  5. Tượng đài “Đức Ông Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng” với chất liệu đồng, chiều cao gần 10m, đặt tại Đền Cửa Ông, phường Cửa Ông, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  6. Tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch” đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc.
  7. Tượng đài “Nam nữ dân quân” hoàn thành năm 1975, tại Xã Cảnh Thụy, Bắc Giang có chiều cao 3m với chất liệu Bê tông cốt thép.
  8. Tượng đài “Đảo tiền tiêu” chất liệu đồng gò, cao 2m. Tác phẩm được tặng Giải A Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, năm 1980.
  9. Tượng đài “Chiến thắng sông Lô” chất liệu bê tông, cột biểu tượng cao 26m, nhóm tượng cao 7m, hoàn thành năm 1982, đặt tại Núi Đồn, Đoan Hùng, Phú Thọ.
  10. Tượng đài “Nghĩa trang Thanh Hóa” đặt tại tỉnh Thanh Hoá.
  11. Tượng đài “Ngời sáng quê hương” tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, năm 1997, đặt tại Km số 6, Quốc lộ 9, Phường 4, Thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
  12. “Tượng đài Việt – Lào” đặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Việt – Lào năm 1982 ở tỉnh Quảng Trị.
  13. Tượng đài “Chiến thắng” chất liệu xi măng và chiều cao 12m, hiện tác phẩm đang được trưng bày tại tại Bảo tàng Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Đà Nẵng.
  14. Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn” chất liệu Bê tông, đặt tại xã Cấm Dơi, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
  15. Tượng đài 23 tháng 10” chất liệu Đá Granit, hoàn thành năm 2000, đặt tại Công viên 23 tháng 10, TP. Nha Trang, Khánh Hòa.
  16. Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang” hoàn thành năm 2004, đặt tại Công viên 2/4, TP. Nha Trang, Khánh Hòa.
  17. Đài tưởng niệm và vinh danh “Anh hùng liệt sỹ Đắc Lắc” đặt tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.
  18. Tượng đài “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Tây Nguyên”.
  19. Tượng đài “Chiến thắng trên sông Cầu Sình” hoàn thành năm 2009, đặt tại tỉnh Hậu Giang.
  20. Tượng đài “Chiến thắng” đặt tại Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Với số lượng tượng đài đã được xây dựng, Tạ Quang Bạo là tác giả có năng lực sáng tạo trong những đề tài có tính hoành tráng, phần lớn là những quần thể với nhiều nhóm tượng và phù điêu có quy mô lớn về kích thước, có hình khối khoẻ khoắn với những mảng khối lớn, phát triển đa chiều, có tính khái quát, tạo được một phong cách riêng, có giá trị nghệ thuật cao, hài hòa với cảnh quan môi trường.

CUỘC ĐỜI SÁNG TÁC CỦA NHÀ ĐIÊU KHẮC TẠ QUANG BẠO
Năm 1959 -1963: Ông học tập tại trường trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp

Năm 1963 -1966: Ông công tác tại Viện Mỹ Thuật

Năm 1966 – 1971: Ông được cử đi học tại Khoa Điêu khắc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật.

Năm 1971-1975: Nghệ sĩ tham gia nhập ngũ, sau một thời gian huấn luyện ở miền Bắc, ông đi vào chiến trường Khu V, làm họa sỹ của Đoàn Văn công Khu V, Tạp chí Quân khu.

Cũng như nhiều nghệ sỹ tạo hình khác vào chiến trường, Tạ Quang Bạo vừa là người lính cầm súng, vừa là nghệ sỹ – chiến sỹ. Cho dù chiến trường ác liệt, gian khổ và thiếu thốn, ông vẫn hăng say hoạt động mỹ thuật.

Tượng đài Chiến thắng Sông Lô, tại Phú Thọ. Tác giả: Tạ Quang Bạo.

Sau năm 1975 – thống nhất đất nước, sau  khi trải qua chiến trường, Ông sáng tác tượng đài “Chiến thắng” chất liệu xi măng và chiều cao 12m, có thể nói vào thời kí đó, đây là một tượng đài có kích thước lớn mà trước đây chưa được thực hiện. Hiện tác phẩm đang được trưng bày tại tại Bảo tàng Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Đà Nẵng.

Tiếp đó, ông sáng tác và xây dựng tượng đài “Nam nữ dân quân” tại Xã Cảnh Thụy, Bắc Giang có chiều cao 3m với chất liệu Bê tông cốt thép.

Năm 1976, Ông nhận công tác tại Xưởng Mỹ thuật Quân đội.

Năm 1985, Xưởng Mỹ thuật Quân đội giải thể, ông chuyển công tác về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và về hưu năm 1995.

Sau khi về hưu, ông không ngừng sáng tác và đi sâu vào hoạt động nghệ thuật, đặc biệt dành cho các tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc đời sống, ông mang vào hơi thở mới cho nghệ thuật điêu khắc, đó là tính nghệ thuật đương đại với đường nét và bố cục táo bạo, sáng tạo không ngừng.

Năm 2001, Nhà Điêu khắc Tạ Quang Bạo Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Tác phẩm “Tình hữu nghị Việt – Lào – cao 3m; Tượng đài Nghĩa trang Buôn Mê Thuột;-Tượng đài Chiến thắng Xuân Trạch (Thu Đông 1947 – Vĩnh Phúc); Tượng đài Chiến thắng Nha Trang.

Năm 2016, Nhà Điêu khắc Tạ Quang Bạo Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho hai tác phẩm: Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và tượng đài “Chiến thắng sông Lô” đặt ở Phú Thọ.

THÔNG TIN LIÊN HỆ
Liên hệ: 0931 336 933
Email: exhibition@lunetart.vn
Website: www.lunetart.vn

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter