Nghệ thuật đương đại và giá trị nghệ thuật cốt lõi cần bảo tồn

 “Hiện đại” và “Đương đại” trong xu hướng phát triển của nghệ thuật

Để hiểu về Nghệ thuật đương đại và Nghệ thuật Hiện đại là khái niệm về giai đoạn phát triển của nghệ thuật, nó được đánh dấu bằng sự sáng tạo, phá cách trong lối mòn tư duy của nghệ thuật cổ điển.

Nghệ thuật hiện đại, thường được gắn với giai đoạn 1860s và 1970s, tác phẩm nghệ thuật thực hiện giai đoạn này đều tìm đến cách biểu hiện mới, nhằm thoát khỏi tính cổ điển, truyền thống thông thường. Các tác phẩm bắt đầu có những sự biểu đạt tự do, mang tính cách mạng của tư tưởng từ bên trong người nghệ sỹ.

Nghệ thuật đương đại, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự thể hiện bản thân, và sự phát triển của cái tôi cá nhân rất cao. Nghệ thuật đương đại là giai đoạn phát huy tính đa dạng và thách thức trong thể hiện tác phẩm với sự kết hợp đa dạng của vật liệu, phương pháp, sự đa dạng trong các phương pháp tiếp cận.

Nghệ thuật đương đại thường được xem như mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển tự do sáng tạo, bộc lộ bản thể – cái bản lĩnh nghệ thuật của người nghệ sĩ, hoặc có thể đẩy cái bản thể lên đỉnh cao của sự tự do giải phóng bản thân nhưng cũng có thể là sự liên kết và kéo người xem vào trong một phần của tác phẩm. Một cách sáng tạo mới trong quan hệ “hình thái nghệ thuật – tâm trí sáng tạo – công chúng tương tác” được trải nghiệm trong nghệ thuật đương đại.

Giá trị nghệ thuật và sợi dây cốt lõi cần bảo tồn

Pablo Picasso điêu khắc “Head of a Woman” (Nàng Farnande Oliver) – năm 1909 – bằng đồng.

 

 

Tác phẩm điêu khắc này không hề mô tả một nàng thơ bên cạnh Picasso, Ông không dùng biện pháp hàn lâm cổ điển là tả thực – một người đẹp, hấp dẫn và cá tính. Ông dùng biện pháp khái quát nhân vật đưa vào tác phẩm.

Tác phẩm là sự khái niệm hình họa của tác giả, cho thấy Picasso nhìn như nào về nàng Farnande Oliver, ông thu nhận hình ảnh thực cho chính mình và phản ánh tư duy về nó qua việc trình bày tác phẩm này. Từ hình thù tự nhiên thu nhận vào tâm trí của Picasso và nó được biến dạng để diễn đạt ra bên ngoài với thái độ, cảm xúc, tâm tưởng của chính họa sĩ để gợi lên trí trưởng tượng của người xem về nàng thơ của mình – “nàng thơ trong tâm trí Picasso” rất khác biệt.

Vậy cái siêu hiện thực mà Picasso đưa đến chính là một hiện thực kép:

Trước tiên, đó là hiện thực vật lý của đối tượng mà còn người bằng giác quan có thể khơi dậy được cộng với sự tưởng tượng mà người nghệ sĩ muốn khơi giợi tâm trí – nó vượt ra khỏi tính chân thực của vẻ bề ngoài thuần túy. Hiện thực hóa nhận thức của mình về ngoại vật bằng cách khái quát chúng và thể hiện chúng bằng cấu trúc, hình thù cốt lõi của nó.

Thứ hai là, chính người nghệ sĩ đó lại chỉnh sửa cấu trúc và hình thù cơ bản để có thể truyền đạt cái tinh thần, cảm xúc, tâm tưởng và trí tuệ, giác quan của chính người nghệ sĩ.

Một tác phẩm nghệ thuật tự nó là sự thể hiện bản ngã của tác giả trên hai phương diện, phương diện biểu hiện và phương diện nội tâm.

Khi xem một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta nhận ra những hình thù có tỉ lệ hòa hợp giữa các khối, hình, màu sắc một cách hòa nhịp, sự chuyển biến trên chất liệu, sự tương phản trong sử dụng ánh sáng tạo nên những giai điệu khấu thị (thị giác) riêng của mỗi tác phẩm. Từ đấy có thể nói rằng, một tác phẩm nghệ thuật luôn có sự phô bày, sự tạo hình một cách thuyết phục nhất, nói cách khác đó là sự hùng biện về mặt hình thức.

Nhưng bên cạnh đó, sức thuyết phục của tác phẩm nghệ thuật chính là tác phẩm đã tiết lộ điều gì về tâm thức của chính tác giả – đó là sự hùng biện về trạng thái tâm lý và tư duy của chính tác giả.

Suy cho cùng, dù có ở giai đoạn nào của nghệ thuật thì ta cũng nhận ra rằng:

Cái cơ bản nhất đối với một tác phẩm nghệ thuật là sự thể hiện hình thái bên ngoài của tác phẩm (cấu trúc tạo hình), vẫn là cấu trúc tạo hình có chất chứa hình dáng nguyên thủy, sinh học và cơ bản. Ví như Picasso đã không vẽ đích thị một con cóc siêu thực mà ông đã thể hiện nó bằng nhịp điệu tạo hình theo cách khơi gợi trí tưởng tượng, nhưng vẫn mô tả loài cóc với những dấu hiệu mà đã ngàn đời được thừa hưởng từ thiên nhiên.

Bên cạnh cấu trúc tạo hình, giá trị làm nên nghệ thuật của một tác phẩm, là tư duy khơi gợi, dẫn dắt người ta vào thế giới của trí tưởng tượng, tâm thức sáng tạo, chiều sâu tư duy của chính người nghệ sĩ. Và sức thuyết phục của tác phẩm nghệ thuật chính là sức thuyết phục thế giới bằng tâm thức, bằng năng lượng nội tại bên trong của người nghệ sĩ, sự dẫn dắt tâm tưởng của người xem đến với trí tưởng tưởng vượt lên trên tâm tưởng của một người bình thường, khiến cho người xem phải cảm thấy sự sung sướng, hạnh phúc khi đi đi lạc vào thế giới tưởng tượng, tâm thức của tác giả.

Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi thế giới sinh động trong tưởng tượng của Picasso, tôi cảm thấy sự mềm mại, cá tính và sự cuốn hút của người phụ nữ – một người đàn bà lôi cuốn, quyến rũ ngay khi nàng âu sầu với vẻ ngoài biến dị, sầm sì và thấy sự sần sùi, nhầy nhụa của thời gian đang bò qua gương mặt nàng. Tôi hoàn toàn quên đi gương mặt xinh đẹp của nàng Oliver, trong tâm trí tôi chỉ còn tồn tại và ám ảnh bởi hình ảnh một cái đầu người phụ nữ méo xẹo, nhưng không kém quyến rũ đi, mặt nàng cảm như quá buồn rầu, nhưng một gương mặt đầy sức lôi cuốn – chỉ có thể là “người phụ nữ” của Picasso mà thôi.

 “Người nghệ sĩ phải có cái gì đó trong tâm thức của mình để nói, bởi nhiệm vụ của anh ta không phải là chế ngự hình thức, mà là sự biến tấu một cách thích ứng giữa hình thức và nội dung” – Kandinsky – tiếng nói bên trong tâm hồn sẽ nói cho người nghệ sĩ biết, anh ta phải dùng hình thức nào và tìm kiếm nó ở đâu.

 “Nếu bạn để một mảnh gương vào gần một bức tranh thực sự, nhất định nó sẽ bị mờ đi bởi hơi thở của sự sống. Bởi vì bức tranh đó đang sống.” – Pablo Picasso

(ảnh tác phẩm “Múa nón” – NĐK. Tạ Quang Bạo)

Nghệ thuật phải có tư tưởng, nếu không có tư tưởng thì chỉ là nghệ thuật trang trí.” – Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo

 

 (ảnh tác phẩm “Bão Tình” minh họa – NĐK. Tạ Quang Bạo)

Sợi dây cốt lõi của giá trị nghệ thuật trong một tác phẩm, chúng được nối từ sự hùng biện về tạo hình đến tới sự hùng biện về tâm thức của người nghệ sĩ. Tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ tạo nên giá trị cốt lõi của một tác phẩm nghệ thuật.

Luneta Phan


LUNET ART GALERIE
Địa chỉ: Khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội
Liên hệ: 0931 336 933
Email: exhibition@lunetart.vn
Website:https://lunetart.vn/

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter