Một số tác phẩm của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA NHÀ ĐIÊU KHẮC TẠ QUANG BẠO

Sống và yêu Nghệ thuật điêu khắc từ những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày nay, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã tạo nên một kho tác phẩm đồ sộ, gồm cả tượng đài và tượng tròn, với những chất liệu khác nhau: Đá, gỗ, đồng, thạch cao … Tác phẩm của Ông nhiều đến nỗi, Ông không thể nhớ hết tên của các tác phẩm được sáng tác hồi còn trẻ, dù cho đó là những đứa con tinh thần do chính tay mình nặn ra. Tuy nhiều là vậy, đa dạng là như thế, nhưng các tác phẩm của Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo vẫn thống nhất với nhau, góp phần tạo nên năm phong cách sáng tác điển hình của Ông, từ các phong cách Tượng đài, Lãng mạn phổ biến thời chiến, cùng với phong cách Tạo hình người phụ nữ Việt Nam cho đến các phong cách Trừu tượng và cả Ấn tượng. Tạ Quang Bạo đọc nhiều, Ông nể trọng lao động của danh họa Michelangelo, thích sự điên loạn của Van Gogh, mê đắm sự bay bổng của Sagan, nển phục tài năng của Picasso. Có lẽ cũng chính vì thế mà các phong cách nghệ thuật trong tượng của Ông cũng thấm đẫm tư tưởng và hơi hướng của các nghệ sĩ lỗi lạc ấy.

“Hoàng Sa” – Tác phẩm điển hình nhất cho phong cách tượng đài

Thông tin ghi trên ảnh tác phẩm:

Tác phẩm: Hoàng Sa

Kích thước: 123 x 123 x 123 (cm)

Năm sáng tác: 1999

Là một người lính, từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt, cũng là người từng tham gia giải phóng Trường Sa nên Tạ Quang Bạo sớm nhận ra biển đảo vô cùng quan trọng và thiêng liêng với Tổ quốc ta. Bảo vệ vùng biển, đảo Tổ quốc là nhiệm vụ của muôn dân và đặc biệt là người lính hải quân. Bức tượng “Hoàng Sa” được được Ông làm trong những ngày bị tai biến, liệt một tay, vào giữa năm 2014, trong thời điểm giàn khoan Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam và sau đó được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Thật vinh dự, đầu năm 2015, Ông nhận được giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng với tác phẩm này.

Khi được hỏi về tác phẩm, đôi mắt nhà điêu khắc già như rực sáng hơn, nhìn xa xăm và bắt đầu kể bằng chất giọng vừa hào hung vừa pha chút tiếc nhớ một thời oanh liệt đã qua. “Bức tượng gợi tả về một người lính hải quân đang đứng canh gác, bên cạnh là lá cờ Tổ quốc. Cái áo choàng đồng thời cũng chính là lá cờ Tổ quốc luôn. Mỗi một người lính đại diện cho một hòn đảo, là đại diện cho một cột mốc của Tổ quốc. Hình ảnh người lính đứng thẳng đơ tựa như cây cột cùng lá cờ bay phấp phới bên cạnh chính là hình tượng cột mốc của Tổ quốc nơi hải đảo với lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh”.

Tác phẩm “Mẹ con” – Tác phẩm điển hình cho phong cách tạo hình người phụ nữ Việt Nam

Thông tin ghi trên Tác phẩm: Tác phẩm: Mẹ con

Kích thước: 122 x 68 x 66 (cm)

Năm sáng tác: 1977

Trước khi trở thành nhà điêu khắc thì Tạ Quang Bạo đã là một người lính, cả một đời gắn bó với binh nghiệp. Ông dành nhiều tâm sức cho tượng về những người mẹ, vẻ đẹp tình mẫu tử, rất đời thường và ấm cúng. Hình ảnh người phụ nữ trong những tác phẩm của ông không phải những thiếu nữ e ấp yểu điệu trốn đô thị mà là những người mẹ người vợ lính tần tảo đảm đang gánh vác thêm cả phần của người ra mặt trận. Khỏe khoắn và mạnh mẽ đó là họ, phụ nữ trong tác phẩm điêu khắc của Tạ Quang Bạo luôn được Ông miêu tả với khối căng, nở nang phồn thực. Phần hông và phần ngực được cách điệu lớn hơn bình thường, tạo nên cái dáng khỏe mạnh, khúc triết của tâm hôn lành mạnh, yêu đời. Hình tượng phụ nữ trong tượng của Ông là những người mẹ trăn trở vì nỗi đau chiến tranh, người mẹ nuôi nấng đàn con, cho con bú, nựng con, bồng bế con. Dù ở tư thế nào thì người phụ nữ cũng cứng cỏi mạnh mẽ và chắc chắn. Các tác phẩm tượng của Ông đã cho ta thấy được “sự bất tử của người nữ trong tình yêu, trong tình mẫu tử, và cả khi cô đơn … chất chứa sự thanh bình, thuần khiết khiến người nhìn ngắm như được an ủi, ôm ấp và vỗ về”.

“Mẹ con” là bức tượng tiêu biểu cho loạt hình mẫu như thế, người phụ nữ không có bàn chân cho ta cảm giác đôi chân đã hằn sâu xuống đất, hông căng nở như phần đế chắc chắn, ngực căng nở ưỡn về phía trước như một điểm tựa vững vàng, đôi mắt nhìn thẳng về phía trước. Cả thân hình người mẹ như thân cây khoe khoắn cắm xuống đất để vươn cao. Đối lập với hình ảnh người mẹ là đứa con nhỏ được mẹ cắp nách nằm ngang, đứa con tinh nghịch như thể đang bay trên bầu trời bao la. Với những người phụ nữ mạnh mẽ và kiên cường như thế, việc làm bệ đỡ cho đứa con thơ của họ bay cao bay xa là điều tất yếu.

Không chỉ có thế, người mẹ trong tác phẩm của Tạ Quang Bạo còn bao hàm một ý nghĩa to lớn hơn. Đó là hình tượng của một bà mẹ Tổ quốc – những bà mẹ đã che chở, bảo về cho quân lính của ta trong những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc. Trong chiến tranh, bộ đội ở dãy Trường Sơn được các bà mẹ che chở, cấp dưỡng. Nhờ có những bà mẹ anh hùng, những xóm làng nhỏ bé ở dãy Trường Sơn có thể chứa được cả một binh đoàn, cả một kho vũ khí lớn, cũng là hậu cần, chăm lo miếng ăn giấc ngủ cho quân ta. Và Đất nước cũng như một bà mẹ, ngày đêm dõi theo, bảo vệ quân dân ta. “Thầy nhìn thấy ở ‘Mẹ con’ có nét gì đó rất là trìu mến, rất là đời thường, nhưng ẩn sâu trong đó bao hàm nhiều ý nghĩa lớn hơn.” – Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chia sẻ.

“Khoảng cách” – Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Lãng mạn

Thông tin ghi trên tác phẩm:

Tác phẩm: Khoảng cách

Kích thước: 57 x 32 x 20 (cm)

Năm sáng tác: 1998

Là một người dễ xúc động trước cái đẹp, xúc động bằng linh hồn thật, bằng những nỗi cô đơn và cả niềm yêu thương, tượng của Tạ Quang Bạo chắc chắn không thể thiếu được cái chất lãng mạn. Mà thứ điển hình nhất cho sự lãng mạn lại chính là tình yêu. Thoạt nhìn tác phẩm, ai cũng có thể đoán được nội dung của nó là thể hiện tình yêu nam nữ lứa đôi. Người ta chỉ trao nhau những nụ hôn nồng nàn như thế khi người ta yêu nhau. Thầy Bạo chia sẻ khi nhớ lại những tình yêu mãnh liệt của mình ngày trẻ: “Con người chúng ta, chẳng ai tránh được những nụ hôn, tình yêu thường bắt đầu từ chiếc hôn, và đặc biệt nhất vẫn là nụ hôn đầu. Nó đi mãi suốt cuộc đời. Con người ta đẹp ra cũng vì chiêc hôn ấy, mà đôi khi đau khổ cũng chính vì chiếc hôn ấy”. Ngắm nhìn và cảm nhận bằng trái tim mình, ta có thể thấy được tình yêu đang tỏa ra từ bức tượng ấy. Hai con người – một nam một nữ – đang quấn lấy nhau trong vòng tròn của tình yêu. Ta ngỡ như vòng tròn ấy đang chuyển động, cặp đôi hôn nhau ấy như đang quay tròn, quay tròn, chầm chậm, đều đều. Họ đang tự nhốt mình để chìm đắm trong vòng tròn của tình yêu ấy.

Tác phẩm “Múa nón” – Một tác phẩm điển hình cho phong cách trừu tượng

Thông tin ghi trên Tác phẩm:

Tác phẩm: Múa nón

Kích thước: 40 x 34 x 30 (cm)

Năm sáng tác: 1982

Là người lính phục vụ trong Đoàn văn công khu V, bên cạnh những giây phút khốc liệt ngoài mặt trận, Ông cũng tham gia nhiều những buổi liên hoan văn nghệ ở chiến khu. Tại đó, có không ít các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn được biểu diễn, mang đến tiếng cười và tinh thần sảng khoải và đồng thời góp phần củng cố về mặt tinh thần cho quân và dân ta. Tạ Quang Bạo đã quan sát rất kĩ và ghi lại một tiết mục múa nón trong một đêm văn nghệ, như thế. Tác phẩm vừa mang yếu tố dân gian, lại vừa có yếu tố hiện đại. Nó giúp ta như hình dung ra cả nhịp điệu và âm nhạc của bài múa. Nó khiến ta phải thốt lên: “À, thì ra trong cái gian khổ của trận chiến ác liệt ấy, người lính của chúng ta cũng đã có những giây phút thoải mái, quên đi thực tại đang đầy rẫy khó khăn để mà hết mình với âm nhạc như thế!”.

Tác phẩm “Bão tình” – Tác phẩm điển hình nhất cho phong cách Ấn tượng

Thông tin ghi trên Tác phẩm:

Tác phẩm: Bão tình

Kích thước: 67 x 33 x 23

Năm sáng tác: 2019

Xem tượng Tạ Quang Bạo, người ta thấy ông là người giàu ý tưởng, sáng tác nhiều đề tài. Chính vì thế mà Ông được biết đến là một nhà điêu khắc luôn làm mới mình. Cái mới ấy thể hiện trong việc dù có đến hàng trăm tác phẩm, thế nhưng không có tượng nào giống tượng nào, ta không thấy được sự trùng lặp ở trong bất cứ tác phẩm nào.

Dù đã ở tuổi xế chiều, thế nhưng các tác phẩm của Ông vẫn không ngừng đổi mới để tạo ra nét ấn tượng. Điển hình là bức tượng tình yêu này. Khó có người nào khi đối mặt với tuổi già, với bệnh tật mà vẫn dành thời gian để diễn tả về tình yêu, nhất là của những người con gái trong tình yêu – chứ không phải câu chuyện của chính mình. Tác phẩm nói lên sự khốc liệt của tình yêu. Tình yêu nó đẹp thật, nhưng nếu chúng ta không biết giữ gìn nó, chúng ta không biết nâng niu nó, thì chúng ta sẽ tự tay phá hủy đời mình, tự phá hủy cuộc sống của mình. Ông còn cười mà đùa rằng đặt tên là “Bão tình” bởi người con gái sau khi bước ra khỏi một cuộc tình, cũng giống như cái cây khi vừa trải qua một cơn bão, tan tác và xơ xác đến tiêu điều.

Khi được hỏi bức tượng được sáng tác trong hoàn cảnh nào, thầy Bạo trầm ngâm một lúc rồi chia sẻ: “Nó không phải trong một dịp đặc biệt nào cả. Tác phẩm ra đời sau khi thầy chứng kiến và suy nghĩ về tình yêu trong xã hội ngày nay. Tình yêu của giới trẻ bây giờ nó phức tạp lắm, khác xa với sự bình dị và trong trẻo của tình yêu đôi lứa ngày xưa”. Với một người yêu nhiều, một tâm hồn luôn cháy bỏng với tình yêu thì đây là một điều khiến Ông luôn trăn trở.


LUNET ART GALERIE
Địa chỉ: Khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội
Liên hệ: 0931 336 933
Email: exhibition@lunetart.vn
Website:https://lunetart.vn/

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter