Người họa sĩ sắc màu phương Đông
TIỂU SỬ HỌA SĨ DIỆP QUÝ HẢI
Họa sỹ Diệp Quý Hải sinh năm 1971 tại Hà Nội, Việt Nam.
Hoạ sỹ đã tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1995 với tác phẩm “Năm Bơ Xác” – Triển lãm toàn quốc và đạt giải huy chương Đồng cho tác phẩm.
Những năm sau đó, họa sĩ giảng dạy Hội hoạ tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Năm 2002, Họa sĩ tốt nghiệp cao học Mỹ thuật. Hiện tại, anh vẫn tiếp tục đang là giảng viên của trường và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Tại bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đều có lưu giữ tranh của họa sĩ.
Tính đến 2018, họa sỹ đã tham gia nhiều triển lãm nhóm ở cả trong nước lẫn quốc tế.
NGƯỜI HOẠ SỸ SẮC MÀU PHƯƠNG ĐÔNG
Chúng ta biết đến hoạ sỹ Diệp Quý Hải không chỉ là một trong những hoạ sỹ tài năng của giới mỹ thuật Việt mà anh còn là giảng viên hội họa của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Quá nửa thời gian cuộc đời đến nay, họa sĩ gắn bó với trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Dù tham gia giảng dạy, nhưng họa sĩ chưa bao giờ thôi trăn trở về con đường nghệ thuật của chính mình.
Với năng lượng sáng tạo khá dồi dào, chúng ta cảm nhận được sự tỏa nhiệt lớn trong các tác phẩm. Đối diện với các tác phẩm trong bộ tác phẩm “Đêm Trăng”, ta không chỉ cảm nhận được tinh thần rất phương Đông trong các tác phẩm mà còn cảm nhận được một triết lý nghệ thuật đồng điệu: “Nghệ thuật giống như ánh trăng. Dưới ánh trăng, cuộc sống hiện thực rực sáng lên giá trị nhân văn đẹp đẽ”. Bên cạnh triết lý nghệ thuật nhân văn xuyên suốt các tác phẩm, trên con đường nghệ thuật họa sĩ luôn tìm tòi sáng tạo, phân tích để phát huy được sức mạnh của chất liệu hội họa.
Tác phẩm: Hội đêm – Họa sĩ Diệp Qúy Hải; kích thước: 100×300 – 2003
Trong cộng đồng yêu nghệ thuật, tên tuổi của họa sĩ Diệp Quý Hải gắn liền với phong cách “Biểu hiện trừu tượng” trên chất liệu sơn mài truyền thống là chủ yếu. Hơn 20 năm gắn bó, tình yêu với chất liệu sơn mài chưa bao giờ tắt lửa, anh tin vào sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, ngày càng son sắc với chất liệu. Anh lựa chọn và khai thác sức mạnh nội tại của chất liệu và tìm thấy chúng trong “Biểu hiện trừu tượng”.
Anh đã định hình phong cách nghệ thuật của riêng mình. Sự truyền cảm mạnh mẽ trong sử dụng bảng màu cơ bản của sơn mài, kết hợp với nghệ thuật tạo hình hiện đại của phong cách biểu hiện trừu tượng, những tác phẩm là sự hòa quyện, dung hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại.
Những hình khối đắp nổi đối lập những đường khoét sâu, những mảng hình vuông đối lập với nét xoáy tròn, những đường nét ngoằn nghèo đối lập với những mảng màu lớn, Những hình khối cứng cáp lấn áp đối lại sự mềm mại của đường cong, sự mềm mại bao bọc nét cứng cáp. Phải chăng đó là triết lý về sức mạnh, đôi khi cái mềm mại, lại là sức mạnh mà cái dũng mãnh lại dễ dàng bị bao phủ bởi sự mềm mại. Những sự đối lập có nhịp điệu, có tiết tấu, bố cục hình họa mang đậm tính triết lý phương đông Âm – Dương, những biểu trưng được chắt lọc thể hiện bởi son – then đậm nét mang phong cách Diệp Quý Hải – Người họa sĩ sắc màu phương Đông.