Họa sĩ Trần Ngọc Hưng

Đức tin với hành trình nghệ thuật

TIỂU SỬ NGHỆ THUẬT HỌA SỸ TRẦN NGỌC HƯNG

Họa sỹ trẻ Trần Ngọc Hưng sinh năm 1983, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sơn mài và có bằng Thạc sỹ về Mỹ thuật tạo hình. Anh hiện đang làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tuy tuổi nghề còn trẻ, song họa sỹ Trần Ngọc Hưng đã khẳng định tài năng của mình qua vô số các triển lãm nhóm và cá nhân trong quãng thời gian từ năm 2007 đến năm 2019. Một trong số các triển lãm nổi bật của anh là triển lãm cá nhân “Chuối rừng”, tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc năm 2018.

“Quan điểm nghệ thuật của tôi, tất cả phải xuất phát từ tình yêu, đam mê, khi chúng ta có đam mê chúng ta có thể vượt qua. Khi làm nghệ thuật phải có hành trình, phải có đích đến. Rất có thể, trong suốt hành trình, chúng ta không có may mắn túm được cái đích, cái ước mơ đấy, nhưng chúng ta có mục đích đi tìm kiếm.

Tôi yêu sơn mài bằng tất cả tâm hồn, tôi là người nghệ sỹ khao khát đi tìm kiếm trong hành trình với sơn mài truyền thống của người Việt. Để hoàn thành một tác phẩm sơn mài rất gian nan, trong hành trình gian nan đấy, người họa sĩ phải có đức tin. Chính đức tin đó giúp ta bước đi theo hành trình, lộ trình chúng ta đã vạch ra. Và khi chúng ta có đam mê, có ước mơ, có khao khát thì mọi khó khăn chúng ta đều vượt qua” – Họa sĩ Trần Ngọc Hưng chia sẻ.

Họa sĩ Trần Ngọc Hưng với trái tim đầy nhiết huyết đã chia sẻ về niềm đam mê của mình với hội họa trên chất liệu sơn mài.

Trong cuộc sống, trong công việc thực tế với vai trò chuyên gia phục chế tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, anh nghiên cứu và tìm hiểu sâu về kỹ thuật xử lý chất liệu sơn mài.

Anh mang trong mình một động lực, một khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ. Họa sĩ lao động nghệ thuật một cách hăng say, chăm chỉ, cần mẫn. Và thực tế, trong những tác phẩm của mình, chúng ta cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào, sự mạnh mẽ của nhiều tầng lớp.

Tác phẩm của anh có những đường nét mạnh mẽ, dường như tự do và vô thức. Tuy nhiên sự tự do phóng tác với những đường vẽ ngoằn nghèo vô thức đó vẫn nằm trong một bố cục chỉnh thể. Mỗi tác phẩm đều toát lên một nguồn năng lượng bùng nổ, ta sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng, một sức trẻ hừng hực gửi gắm trong đó.

Bạn sẽ thấy dòng nham thạch – chảy trong những mạch ngầm, không biết sự đặc quánh của nham thạch làm cho bạn nghĩ rằng mình đang đứng ở đâu đó trong lòng trái đất – hay bạn đang bay trên vệ tinh nhìn xuống lòng núi lửa?! Đó chỉ có thể là “Trầm Tích” của họa sĩ Trần Ngọc Hưng.

Tác phẩm Mạch nguồn trầm tích – Họa sĩ Trần Ngọc Hưng; Kích thước 122cm x 198 cm.

Anh nói rằng: “Tôi đi tìm bảng màu của sơn mài, như đào sâu hàng ngàn lớp xuống lòng đất, không biết bao giờ đến nơi. Nhưng tôi tin, tôi tin như thể là một đức tin với bảng màu sơn mài của tôi”.

Trên con đường tìm kiếm, khát khao khám phá cảm xúc nội tại trong chính chất liệu, với những tác phẩm tại triển lãm “Tranh Sơn mài – Biểu hiện và Trừu tượng”, anh đã tạo nên một bản sắc ghi dấu gương mặt họa sĩ Trần Ngọc Hưng.

SẮC MÀU TRẦN NGỌC HƯNG

Đối với một hoạ sỹ trẻ như Trần Ngọc Hưng, điều quan trọng nhất là luôn giữ cho tâm thức sáng tạo của mình luôn trong sáng, không bị vẩn đục bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Chỉ có tâm thức sáng tạo của Hoạ sỹ mới là ngọn lửa nuôi sống nghệ thuật, nuôi sống con người hoạ sỹ.

Hoạ sỹ Trần Ngọc Hưng sinh năm 1983, tốt nghiệp chuyên nghành Sơn mài – Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2009, tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật Tạo hình – Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2014. Đam mê vẽ, yêu thích vẽ, khao khát trở thành một hoạ sỹ chuyên nghiệp, Trần Ngọc Hưng đã luôn chăm chỉ, cố gắng đi tìm câu trả lời cho khát vọng to lớn đó của mình.

Bắt đầu hoạ sỹ vẽ bột màu trên giấy gió sau đó chuyên tâm dành hết chăm chỉ, tài năng, tình yêu của mình dành cho sơn mài khi thi đỗ vào trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ngay từ lúc còn đi học, hoạ sỹ đã rất say mê vẽ, bất kể buổi trưa hay chủ nhật, hễ có dịp là vẽ.

Suốt thời gian dài đi học và sáng tác, hoạ sỹ chỉ quan niệm vẽ để diễn tả tình cảm riêng của mình, vẽ để giải thoát cái nội giới của mình và hưởng thụ cái ngoại giới hữu hình. Trong hoạ sỹ, lòng say mê cái đẹp là bất tận. Vẽ để lấy cái đẹp. Đẹp để hưởng thụ, đẹp bằng hình, đẹp cả bằng sắc. Hoạ sỹ nghiên cứu say mê màu sắc của thiên nhiên, ánh sáng tự nhiên. “Chuối rừng” mang đầy màu sắc Trần Ngọc Hưng, nó diễn tả sự phản quang của ánh sáng mặt trời và kết quả của nó: Sắc vàng của hoa chuối, sắc đỏ của bắp chuối, sắc vàng của lá chuối, màu lá bị rám nắng dưới ánh sáng mặt trời, đã hoá thành một sắc hồng mạnh mẽ…

Trong con người hoạ sỹ, cảm xúc bây giờ rất mạnh mẽ. Tình cảm của hoạ sỹ trật tự hài hoà trong sự đồng điệu tâm hồn với cảnh sắc thiên nhiên. Thủ pháp dụng màu của hoạ sỹ rất “phiêu” tạo ra những gam màu ấn tượng đẹp về cuộc sống.

Hoạ sỹ tìm hiểu sâu đặc tính thể chất của sơn ta, tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật sơn ta, học hỏi những điều tinh tuý nhất của sơn ta để thuận theo nó mà sáng tạo ra bảng màu mới, phát triển nghệ thuật sơn mài. Hội hoạ là nghệ thuật tạo hình, cái gốc của nó là tạo hình.

Tranh trừu tượng cũng là tạo hình, hình rất đa dạng, vẽ tranh trừu tượng cũng là cả một quá trình học hỏi, trải nghiệm, tích luỹ tri thức, kiến thức của hoạ sỹ trong một thời gian dài trước đó.

Hoạ sỹ Trần Ngọc Hưng có lực vẽ trẻ. Dưới bàn tay của hoạ sỹ, sức khỏe và ngọn lửa nhiệt huyết đã trở thành cái tinh thần trong tranh nổi bật.

Hoạ sỹ ưa dùng sơn ta nguyên bản. Màu của sơn mài đằm thắm, sắc nhị âm vang sâu rộng, rung động tới tận đáy lòng người xem. Sắc màu trong tranh Trần Ngọc Hưng rực lên sức truyền cảm mạnh mẽ.

Hoạ sỹ chia sẻ, đã gặp và yêu say đắm được sơn mài thì cần có “Duyên”, cần có tình yêu sơn mài chân thành, đam mê cái đẹp. Càng vẽ sơn mài nhiều, càng thích vẽ nhiều hơn, mỗi ngày lại càng yêu hơn và với hoạ sĩ thì hiện tại không có chất liệu nào có thể thay thế sơn mài được.

Đôi khi bạn sẽ thấy dòng nham thạch – chảy trong những mạch ngầm, không biết sự đặc quánh của nham thạch làm cho bạn nghĩ rằng mình đang đứng ở đâu đó trong lòng trái đất – hay bạn đang bay trên vệ tinh nhìn xuống lòng núi lửa?! Đó chỉ có thể là Trầm Tích (tên tác phẩm) của Hưng (Họa sĩ Trần Ngọc Hưng). Anh nói rằng: “Tôi đi tìm bảng màu của sơn mài, như đào sâu hàng ngàn lớp xuống lòng đất, không biết bao giờ đến nơi. Nhưng tôi tin, tôi tin như thể là một đức tin với bảng màu của tôi”. Sơn mài của Hưng là sự khám phá cảm xúc nội tại trong chính chất liệu.

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter