Người thầy lớn

Ts. Triệu Khắc Tiến

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Mỹ thuật hiện đại Việt Nam luôn gắn liền với sự ra đời và lịch sử phát triển của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Đây là cái nôi đào tạo ra những thế hệ họa sỹ tinh hoa, biết kết hợp nhuần nhuyễn những kỹ thuật hội họa hàn lâm phương Tây với khai thác bản sắc truyền thống của nghệ thuật dân tộc, làm thay đổi diện mạo của Mỹ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Người có công lớn trong việc thành lập ngôi trường danh tiếng ấy, cũng là người đặt những viên gạch nền móng đầu tiên mở ra con đường định hình cho sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, chính là họa sĩ danh tiếng – vị hiệu trưởng đầu tiên Victor Tardieu.

Victor Tardieu sinh ngày 30 tháng 4 năm 1870 tại thành phố Lyon (Pháp). Thiên hướng hội họa của ông được bộc lộ khi sớm theo học mỹ thuật tại Trường Mỹ thuật Lyon (1887-1889) và sau đó tiếp tục tại Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1889 đến năm 1891.

Victor Tardieu

Bước ngoặt lớn trong đời khi ông dành được giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine) năm 1920, mà phần thưởng là chuyến đi du lịch Đông Dương trong vòng một năm. Chuyến đi ấy như một duyên phận, gắn chặt cả cuộc đời ông với mảnh đất và con người xứ An Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Hà Nội, từ năm 1921 đến 1927, ông đã thực hiện một bức tranh khổ lớn (77m²) cho khán phòng chính của Đại học Đông Dương đang được xây dựng. Bằng những khám phá về văn hóa và con người Việt Nam thông qua quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của mình, Victor Tadieu nhận thấy rằng xứ sở Đông Dương này có một nền mỹ thuật cổ truyền phong phú, khiếu thẩm mỹ của con người nơi đây rất tinh tế, nếu được đào tạo bài bản thì chắc chắn sẽ xây đắp được một nền mỹ thuật độc đáo. Và thế là một quá trình vận động thành lập trường dạy Mỹ thuật ở Việt Nam đã được ông khởi xướng, cổ vũ hết mình. Kết quả của quá trình vận động dài lâu ấy là quyết định thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương M.Merlin ký ngày 27 tháng 10 năm 1924, đào tạo khóa đầu tiên vào năm 1925. Họa sĩ Victor Tardieu được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, với cộng sự người Việt – họa sỹ Nam Sơn – cùng dồn hết tâm huyết xây dựng một ngôi trường nghệ thuật với sứ mệnh là nơi giảng dạy chuyên sâu về nghệ thuật và hội họa. Ông đảm nhận trọng trách này cho tới ngày qua đời 12 tháng 6 năm 1937 tại Hà Nội.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, cơ cấu đội ngũ giáo sư, giảng viên được tinh chọn, tôn chỉ giáo dục và chương trình đào tạo bài bản của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã cho thấy một hướng đi đúng đắn, báo hiệu những thành quả sớm đến qua những lớp sinh viên tài năng xuất chúng như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tư Nghiêm… như minh chứng cho triết lý giáo dục giàu tính nhân văn của họa sỹ, nhà sư phạm lỗi lạc Victor Tardieu, khi đã không chủ trương đào tạo một cách khô cứng, bỏ qua mọi áp đặt về khuynh hướng, trường phái của hội họa phương Tây đối với các sinh viên, mà thay vào đó, Tardieu và các cộng sự của mình một mặt truyền thụ các kỹ thuật hội họa cơ bản, nhất là sơn dầu, một mặt luôn hết lòng truyền cảm hứng, khuyến khích họ tìm tòi, khai thác các giá trị cội nguồn văn hóa truyền thống, các di sản mỹ thuật của cha ông, phát huy tinh thần dân tộc trong sáng tạo cá nhân, hình thành bản sắc độc đáo của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ 20.

Các sinh viên và giáo viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng chính là nơi khai sinh ra một ngôn ngữ hội họa mới, được coi là “đặc sản” riêng của Mỹ thuật Việt Nam – tranh Sơn mài. Giai đoạn 1925 – 1932 đánh dấu nhiều nghiên cứu, thực nghiệm chất liệu sơn ta của các sinh viên khóa đầu dưới sự hướng dẫn của các giáo sư người Pháp (Joseph Inguimberty, Alix Aymé), cùng nghệ nhân Đinh Văn Thành tìm tòi ra kỹ thuật chế tác sơn cánh gián từ sơn ta Phú Thọ, có thể nghiền với son và màu chuyên dụng vẽ, phủ nhiều lớp kết hợp dát, xay vàng, bạc quỳ. Sơn này sau khi ủ khô, đem mài nước sẽ cho ra các hòa sắc vô cùng biến ảo, trầm sâu. Thầy hiệu trưởng Tardieu cũng chính là người có con mắt biết “tìm vàng trong cát” khi đích thân đưa “cậu sinh viên cứng đầu” Nguyễn Gia Trí trở lại trường Mỹ thuật Đông Dương học tập, để rồi sau đó bằng tài năng và khổ luyện, những sáng tạo đột phá trong tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí cùng nhiều họa sĩ đương thời khác đã đưa hội họa sơn mài Việt Nam lên một đẳng cấp độc tôn, không trộn lẫn so với nghệ thuật sơn mài của các nước trên thế giới.

Gần một thế kỷ đã trôi qua kéo theo nhiều biến đổi của diện mạo nền Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng cho đến nay, dòng chảy tinh hoa của Mỹ thuật Đông Dương do Victor Tardieu đặt nền móng vẫn mãi là nguồn mãnh lực bất biến, truyền cảm hứng cho nhiều lớp thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay biết kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống bản sắc của ông cha trong sáng tạo nghệ thuật cá nhân, cùng chung sức đưa con thuyền mỹ thuật nước nhà rẽ sóng vươn ra biển lớn.

Tháng 02/2020.


LUNET ART GALERIE
Địa chỉ: Khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội
Liên hệ: 0931 336 933
Email: exhibition@lunetart.vn
Website:https://lunetart.vn/

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter