1. Quan niệm ẩn sau nghệ thuật trừu tượng là gì? Tại sao trừu tượng vượt ra khỏi biên giới biểu hiện?!
Tiền đề cơ bản của trừu tượng – tình cờ thay cũng là một vấn đề quan trọng trong thẩm mỹ – là các tính chất hình thức của một bức tranh (hoặc tác phẩm điêu khắc) cũng quan trọng như (nếu không muốn nói là hơn) tính chất đại diện của nó.
Ví dụ: Một bức tranh có thể bao gồm một hình vẽ đàn ông xấu tệ, nhưng nếu màu sắc của nó đẹp, khả năng cao chúng ta sẽ nghĩ rằng toàn bộ bức tranh đều đẹp. Mặt khác, một bức tranh thuộc trường phái Hiện thực ảnh về một căn nhà tầng có gác mái sẽ bộc lộ được chủ nghĩa đại diện tinh tế, song chủ đề, cách phối màu và bố cục chung của nó có thể vô cùng nhàm chán.
Lý lẽ biện minh triết học cho việc đánh giá cao giá trị hình thức của một tác phẩm nghệ thuật bắt nguồn từ tuyên bố của Plato, rằng: “Các đường thẳng và đường tròn… không chỉ đẹp… mà còn đẹp toàn diện, đẹp vĩnh cửu”. Về bản chất, ý của Plato là các hình ảnh phi tự nhiên (hình tròn, hình vuông, hình tam giác…) sở hữu vẻ đẹp tuyệt đối và bất biến. Do đó, người ta có thể đánh giá một bức tranh chỉ bằng nét vẽ và màu sắc của nó.
Dạ Khúc: Xanh và Xám – Chelsea (Họa sĩ Whistler)
Một vài họa sĩ trừu tượng giải thích rằng họ muốn tạo ra phần hình ảnh tương đương với một bản nhạc được đánh giá thuần túy vì chính nó, mà không cần phải đặt ra câu hỏi “bức tranh này vẽ cái gì thế?” Chẳng hạn, họa sĩ Whistler từng đặt tên đậm chất nhạc cho một vài tác phẩm của mình, như Dạ khúc: Xanh và Xám – Chelsea (1871, thuộc Bộ sưu tập Tate).
Từ biểu hiện thông thường, những tác phẩm trừu tượng hoàn toàn sẽ bứt phá khỏi hình họa để chỉ thể hiện ngôn ngữ của tư duy người họa sĩ.
2. Biểu hiện và chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng – Nhiều màu sắc hơn và không còn hình khối
Theo Bách khoa Toàn thư online Britannica, biểu hiện là một phong cách nghệ thuật, trong đó người nghệ sĩ sẽ vẽ ra cảm xúc và phản ứng chủ quan của mình đối với các sự vật, sự việc tồn tại xung quanh. Họ đạt được mục đích này nhờ bóp méo, phóng đại, đơn giản hóa và tưởng tượng, cũng như nhờ áp dụng các yếu tố hình thức sặc sỡ, choáng ngợp, mạnh bạo và sống động vào tác phẩm nghệ thuật của mình.
Đến năm 1945, trung tâm của nghệ thuật hiện đại đã chuyển từ Paris sang New York, nơi có đại diện tiên phong là Trường phái Biểu hiện Trừu tượng. Phát sinh từ Đại suy thoái và Thế chiến II, phong trào này được Jackson Pollock (1912 – 1956), Mark Rothko (1903 – 1970), Willem De Kooning (1904 – 1997), Clyfford Still (1904 – 1980), Barnett Newman (1905 – 1970) và Adolph Gottlieb (1903 – 1974) dẫn dắt.
Số 5 (Họa sĩ Jackson Pollock)
Tranh biểu hiện trừu tượng vẫn còn là một thuật ngữ mơ hồ – thường được áp dụng một cách khó hiểu cho các họa sĩ không thực sự trừu tượng, cũng không nghiêng về biểu hiện – và mô tả hình thức của các tranh trừu tượng có màu sắc được ưu tiên hơn hình dạng. Một bức tranh biểu hiện trừu tượng được cảm nhận tốt nhất bằng trực giác, tức trả lời câu hỏi “nó làm bạn cảm thấy thế nào?”
Cần phải nhấn mạnh rằng đây là một phong trào rộng, bao gồm các phong cách khác nhau, trong đó (như đã đề cập) có các tác phẩm bán hoặc không trừu tượng, cũng như những tác phẩm đặc trưng bởi cách dùng sơn màu như tranh của Jackson Pollock và các tác phẩm của Willem de Kooning.
Sau đó, Trường phái Biểu hiện Trừu tượng đã sản sinh ra một số phong cách riêng lẻ dưới sự bảo hộ của Hậu Trừu tượng Họa pháp, một xu hướng phản cách thức. Những phong cách cá nhân này bao gồm: Tranh Sắc nét, Tranh Trường màu, Phong trào Màu sắc Washington, Trừu tượng trữ tình Mỹ và Canvas Theo khuôn.
- Siêu thực và trừu tượng hữu cơ
Song song với sự phát triển của chủ nghĩa cụ thể theo kiểu hình khối, trong những năm 1920 và 1930, Trường phái Siêu thực bắt đầu tạo ra một loạt các hình ảnh như tự nhiên, như tưởng tượng. Các ví dụ hàng đầu của phong cách trừu tượng sinh học/hữu cơ này là Jean Arp và Joan Miro, không ai trong số họ – như nhiều bản phác thảo ban đầu của họ xác nhận – dựa vào kỹ thuật tự động hóa. Jean Arp cũng là một nhà điêu khắc tích cực chuyên về Trừu tượng Hữu cơ, giống như các nhà điêu khắc người Anh Henry Moore (1898 – 1986) và Barbara Hepworth (1903 – 1975). Một số nghệ sĩ trừu tượng châu Âu sau đó đã đến Mỹ, nơi họ gặp gỡ và ảnh hưởng đến một thế hệ họa sĩ trừu tượng bản địa mới. Những người di cư có ảnh hưởng này bao gồm các họa sĩ như Hans Hofmann (1880-1966), Max Ernst (1891 – 1976), Andre Masson (1896 – 1987), Arshile Gorky (1904 – 1948) và Yves Tangy (1900 – 1955). New York đang phát triển mối quan tâm sâu sắc đến trừu tượng và đã thành lập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại vào năm 1929, cũng như Bảo tàng Hội họa Phi khách quan (sau đổi tên thành Bảo tàng Samuel R Guggenheim) vào năm 1939.
“Một tác phẩm hội họa trừu tượng sẽ đạt được hai giá trị: Giá trị bên trong của tư duy người họa sĩ, và giá trị khám phá tư duy của chính người thưởng lãm”.
Mia Phạm lược dịch
Nguồn:
- Art Encyclopedia
- Encyclopedia Britannica
—
LUNET ART GALERIE
Địa chỉ: Khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội
Liên hệ: 0931 336 933
Email: exhibition@lunetart.vn
Website:https://lunetart.vn/