Thông điệp của ánh trăng

“Tôi có thể đem cả triệu hoa hồng đến tặng nàng – nghệ thuật của tôi được không?”

“Nhưng có lẽ là yêu thôi chưa đủ, mà biết cách thổ lộ nó nữa, mới thật là Yêu!”

Luneta Phan

Cuộc triển lãm “Sơn Ta Vóc Việt” đã qua, nhưng dư âm của người thưởng lãm tuyển tập “Sơn Ta Vóc Việt” tại Lunet Art Galerie tháng 10/2019, với thông điệp: “Tầm vóc của người nghệ sĩ, họa sĩ Việt thật sự có chỗ đứng với thế giới, tại sao không? Và tranh sơn mài là một lợi thế, một tình yêu mãnh liệt mà tự thân nó đã thuyết phục hoàn toàn giới nghệ thuật vượt khỏi biên giới quốc gia”.

Với triển lãm này “Tranh sơn mài – Biểu hiện và Trừu tượng” – vẫn với việc sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật trên chất liệu sơn mài – đầy cảm xúc, người thưởng lãm sẽ được đắm chìm trong một không gian màu sắc nhiều tầng lớp, được suy tưởng về một thế giới “siêu hình”. Thế giới “siêu hình” nhưng “có hình” và “có màu” rất đẹp, nhưng chứa đầy tư tưởng duy vật, Mỗi tác phẩm tính tư tưởng và tư duy biện chứng rất cao nhưng quý vị cũng sẽ nhìn thấy sự cô đọng, khúc triết trong bố cục. Những tác phẩm cố định trong biến động – sự biến động – nói cách khác, nó là sự tái hiện suy tưởng của họa sĩ của hình bởi những đường nét – tưởng là phi hình nhưng chúng gợi ta liên tưởng tới tính hàng ngàn thứ hữu hình. “Nó là nó, nó không phải là nó, mà nó là chính nó” – như Mac nói.

Trong lần gặp gỡ với họa sĩ Trương Bé, ông nói rằng: “Họa sĩ, anh ta không chỉ có tư duy trừu tượng, mà anh còn là một nhà triết học”.

Đối với cảm nhận của tôi, có lẽ rằng tính triết học trong tranh trừu tượng – nó gần gũi, dễ biểu đạt tư duy của người họa sĩ hơn cả bức họa có hình một cô gái đẹp khỏa thân dưới đêm trăng.

“Các đường thẳng và đường tròn – không chỉ đẹp, mà chúng còn đẹp đến hoàn hảo và vĩnh viễn” – Plato một nhà triết học theo trường phái biện chứng duy tâm, ông coi thế giới vật chất tồn tại bởi “ý niệm”. Ta không bàn về học thuyết, nhưng nếu nhìn khách quan, quả thật những đường nét đơn giản là sự khái quát nhất của nhận thức.

Ở triển lãm lần này, bạn sẽ gặp những… hình vẽ mang tính “ý niệm” như thế.

Nếu bạn nhìn và nhận thấy ánh sáng là thứ chan hòa, khó nắm bắt, thì trong “Đường hầm” của anh Chuyên – anh đã biến nó thành hiện hữu – sáng loáng – ấm áp – nhưng sắc lẹm và long lanh – đó là màu của một thứ kim loại – là VÀNG. Những đường nét thẳng, cắt và những mảng ánh sáng sắc xảo, anh thể hiện ánh mắt – con người anh, cá tính của anh, sắc xảo và lạnh mà ấm, vì nó gợi cho người ta một lớp không gian phía của bề mặt tác phẩm. Một không gian ánh sáng của họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên.

Đôi khi Bạn sẽ thấy dòng nham thạch – chảy trong những mạch ngầm, không biết sự đặc quánh của nham thạch làm cho bạn nghĩ rằng mình đang đứng ở đâu đó trong lòng trái đất – hay bạn đang bay trên vệ tinh nhìn xuống lòng núi lửa? Đó chỉ có thể là “Trầm tích” (tên tác phẩm) của Hưng (Họa sĩ Nguyễn Ngọc Hưng). Anh nói rằng: “Tôi đi tìm bảng màu của sơn mài, như đào sâu hàng ngàn lớp xuống lòng đất, không biết bao giờ đến nơi. Nhưng tôi tin, tôi tin như thể là một đức tin với bảng màu của tôi”. Sơn mài của Hưng là sự khám phá cảm xúc nội tại trong chính chất liệu.

Những hình khối đắp nổi đối lập những đường khoét sâu, những mảng hình vuông đối lập với nét xoáy tròn, những đường nét ngoằn nghèo đối lập với những mảng màu lớn, Những hình khối cứng cáp lấn áp đối lại sự mềm mại của đường cong, sự mềm mại bao bọc nét cứng cáp. Phải chăng đó là triết lý về sức mạnh, đôi khi cái mềm mại, lại là sức mạnh mà cái dũng mãnh lại dễ dàng bị bao phủ bởi sự mềm mại. Những sự đối lập có nhịp điệu, có tiết tấu, bố cục hình họa mang đậm tính triết lý phương đông Âm – Dương, những biểu trưng được chắt lọc thể hiện bởi son – then đậm nét mang phong cách Diệp Quý Hải.

Chỉ với những khoảng trống, những nét hình thô mộc như những tư tưởng thời cổ xưa, anh kể câu chuyện triết lý nhân sinh quan, quy luật luân hồi, sự phối ngẫu sâu sắc của những mảng màu trầm với những nét hình mảnh và mạnh – của anh. Anh tạo nên sự trầm mặc, anh tạo nên màu của thời gian trải lên những trầm tích xưa cũ, những trầm tích đã để lại dấu ấn màu sắc trên những chứng tích bằng đồng xưa cũ. Nhưng đâu đó trong gam màu trầm là những mảng sáng li ti và lấp lánh, phải nhìn thật sâu, thật lâu để thấy sự tinh tế này của anh – Họa sĩ Mai Đắc Linh.

Mỗi họa sĩ trong triển lãm, họ đều thể hiện bản sắc riêng, nhưng chúng ta sẽ tìm thấy một tinh thần rất phương Đông trong tuyển tập các tác phẩm “Biểu hiện và trừu tượng” – một tinh thần phương Đông mạnh mẽ và cuốn hút, không chỉ bằng phong cách hội họa và còn cuốn hút bởi chất liệu – sơn mài.

Trong quá trình tuyển tập cũng cho Lunet Art rất nhiều cảm xúc, đó là khi lắng nghe sự trăn trở của các họa sĩ. Những người nghệ sĩ càng lớn, trải nghiệm cuộc đời sáng tạo của anh sẽ có lúc bế tắc, cũng vật vã, để… yêu được mãi, quả là rất khó khăn. Sự nghiệt ngã của nghệ thuật là khi đã khai thác triệt để chính mình và người nghệ sĩ phải tìm tòi để vượt ngưỡng của chính mình, đó là lúc anh đối diện với “lửa nghệ thuật” trong mình suy yếu.

Người họa sĩ luôn mong muốn, luôn trăn trở tìm ra bản sắc nghệ thuật của riêng mình. Không phải ai cũng tìm ra được bản sắc của riêng mình, nhưng khi tìm ra rồi anh ta còn phải đối diện với chính anh ta, đối diện với ngưỡng giới hạn của sự tìm tòi đó. Đôi khi, anh ta còn làm nô lệ cho bản sắc của chính mình. Nhìn sâu vào tâm khảm, thói quen làm anh ta sợ, anh ta bế tắc. Không phải nghệ sĩ nào cũng có thể vượt lên được, giai đoạn bứt phá – vượt qua giới hạn của bản thân, cũng là giai đoạn mà người nghệ sĩ họa sĩ rất cô đơn, vật vã, bế tắc, sợ hãi. Chắc chắn rằng, sẽ có những đêm anh nhìn vào giá vẽ và thấy mình trống trải.

Để vượt lên, anh dám đối diện với chính mình không?

Lunet Art gửi đến những nghệ sĩ một thông điệp:

“Đời nghệ sĩ luôn cô đơn, luôn trăn trở vật vã. Cô đơn nhất, vật vã nhất là khi anh tìm tòi vượt qua chính mình, đối diện với những thành công của mình, tìm cách vượt qua nó. Nhưng cũng giống như những đêm trăng non qua đi, một đêm trăng sáng – trăng tròn đầy sẽ đến. Đó là đêm trăng sáng của nghệ thuật – mà không ai khác – chính anh  phải bước qua những đêm trăng non như thế. Phải tiếp tục!”

Lunet Art kỳ vọng những người nghệ sĩ, có đủ nghị lực để vượt qua chính mình, Lunet Art mong rằng người họa sĩ – hôm nay, mang trong mình một khát khao, một ngọn lửa bứt phá trên con đường sáng tác nghệ thuật. Các anh hãy giữ cho mình một ý trí và một ngọn lửa sáng tạo mạnh mẽ hừng hực cháy trong tâm thức.

Lunet Art Galerie với một không gian thư thái và tĩnh tại, hãy dành một đôi phút để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc đời qua những tác phẩm nghệ thuật!


LUNET ART GALERIE
Địa chỉ: Khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội
Liên hệ: 0931 336 933
Email: exhibition@lunetart.vn
Website:https://lunetart.vn/

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter