“Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi…”

Năm 2019 – một năm được đánh giá là thành công và phát triển của Lunet Art – sự hình thành và ra đời một tổ chức Mỹ thuật tư nhân nhưng với định hướng phát triển như một tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận của một cô chủ trẻ – Luneta Phan. Với niềm đam mê và khát khao góp sức mình vào sự phát triển của nền Mỹ thuật Việt, Lunet Art đã gây ấn tượng với giới phê bình nghệ thuật, giới nghệ sĩ và đặc biệt được sự đón nhận của công chúng yêu nghệ thuật với sự ra mắt Lunet Art Galerie – một không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật sang trọng.

Sau khai mạc với triển lãm tranh sơn mài “Sơn Ta Vóc Việt”, những tác phẩm sơn mài Việt được trưng bày và sắp xếp rất chuyên nghiệp, làm không ít nhà phê bình trầm trồ về khả năng tuyển tập tác phẩm.

Tiếp theo đó, cuộc triển lãm điêu khắc “Chân dung nghệ sĩ – nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo” đã đã được công chúng yêu nghệ thuật, và cả các chính khách quan trọng trong và ngoài nước rất tán thưởng và ghi nhận.

Chúng tôi dành đôi phút để phỏng vấn cô Luneta Phan – Giám đốc nghệ thuật của Lunet Art Galerie. Bài phỏng vấn với những suy tư sắc sảo về nghề tuyển tập tác phẩm cũng như tâm huyết của một tổ chức giám tuyển nghệ thuật. 

 ***

  • Chị đã xây dựng Lunet Art và lựa chọn con đường đi của Lunet Art lâu chưa?

Lunet Art mới ra đời, nhưng có lẽ lựa chọn và xây dựng con đường đi cho nó – tôi đã chọn từ lâu. Nó bắt đầu từ khi tôi còn là một cô bé.

  • Chị đã chọn cho Lunet Art một con đường như hiện tại, dòng chảy đương đại thì mãnh liệt, mà sự chân thực trong thế giới nghệ thuật luôn bị đe dọa trượt mất, rất ít ai dám lựa chọn. Tuy nhiên con đường đó – rất nhiều người khao khát? Chị có thấy đó là thử thách không?

Đó là câu hỏi hay là nhận định của bạn? Có người nói, tôi là người rất “bản lĩnh”, cũng có người nói tôi liều lĩnh. Tôi lại không nghĩ thế vì tôi biết, nghệ thuật có những giá trị vĩnh hằng – mà không ai, không cái gì làm nó thay đổi được, đó là giá trị Mỹ học – giá trị Đẹp đẽ, nhân văn. Chỉ khi nào người ta xa rời khỏi giá trị đó – thì mới gọi con đường đó là liều lĩnh mà thôi.

Tôi chọn lối đi cho Lunet Art chính là chọn lối đi cho bản thân mình, chứ không so sánh với con đường của người khác. Trên con đường đến với những giá trị cao quý đó, thì dù khó khăn đến mấy, dù niềm vui hay khổ đau, hay tuyệt vọng tôi cũng sẵn lòng bình thản đón nhận. Tôi tin một điều, và thực ra, lịch sử ngàn đời đã chứng minh, bất kỳ con người nào đều yêu mến cái đẹp và hướng tới nghệ thuật chân chính, hà cớ gì mình thất bại nếu mục tiêu của tổ chức mình hướng đến những giá trị bền vững đó mà lại thất bại được?

  • Ý của chị là không khi nào hối hận, cả khi không may mình thất bại?

Có một câu nói (có lẽ là lời một bài hát nước ngoài) tôi luôn mang bên mình:

“Cuộc sống là những vòng xoáy và những điểm ngoặt, khi sự thất bại quay vòng, thì cũng đừng bỏ mặc, thành công là thất bại đảo ngược. Khi mọi thứ tồi tệ đi, chính là lúc bạn không được bỏ mặc”. Ngay khi có những ý tưởng, rồi đặt bước chân đầu tiên để bắt đầu một cuộc hành trình. Một người họa sĩ, người thầy của tôi đã nói: “Hạnh phúc là một hành trình, ngay từ khi bắt đầu, không phải là kết thúc mới thấy mình hạnh phúc hay không”. Nhạc sĩ Trần Lập cũng có bài hát: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/ Bàn chân chẳng thấm đau vì những mũi gai”, đúng không?

  • Họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã chia sẻ: Đã có một thời gian, khoảng 20 năm gần đây, các galery hoạt động thương mại là chủ yếu. Những galery hoạt động thương mại quá vì mục tiêu lợi nhuận đã vô tình hay hữu ý, lôi kéo rất nhiều nghệ sĩ sáng tác theo xu thế “thị trường”. Và tất nhiên, hậu quả của nó chúng ta đều biết, sau một thời gian, nghệ thuật thực sự đã quay lưng và tìm kiếm giá trị thật của chính nó. Những nghệ sĩ chân chính, hoạt động vì mục tiêu sáng tạo trong sáng hơn và giữ nhân cách của người nghệ sĩ, họ quay lưng lại với các Galery kiểu “ăn xổi” đó. Nhưng lần này, nghệ sĩ rất xúc động dành cho Lunet Art một lời nhận xét “Lunet Art rất chuyên nghiệp và hướng đến một sân chơi nghệ thuật sang trọng”. – Phải chăng đó chính là một trong những ghi nhận tốt đẹp từ thế giới nghệ thuật với chị?

Cảm ơn phóng viên đã chia sẻ lời nhận định của nghệ sĩ làm tôi xúc động.

Ngay những bước đầu trên con đường hạnh phúc, trải hoa hồng, và không ít gai chông, tôi đã cảm nhận được hương thơm của chúng.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật – bản thân nó ghi chép vẻ đẹp của cuộc đời và đem đến giá trị cao quý cho cuộc đời này. Chúng làm cuộc đời này tươi đẹp lên, chứ không phải sứ mệnh của chúng sinh ra … theo đơn đặt hàng – của bất kỳ ai.

Thương mại – là điều không tránh khỏi trong hoạt động tất cả các Galery. Nói cách khác, bằng cách gì đó thì xã hội phải công nhận và trả giá cho các tác phẩm nghệ thuật chứ? Và Galery thương mại sẽ phải làm trọng trách đó.

Tuy nhiên, Lunet Art Galerie không hoạt động thương mại tối đa hóa lợi nhuận mà còn hướng đến hoạt động như một tổ chức bảo trợ nghệ thuật. Đến với Lunet Art Galerie – một không gian tốt đẹp nhất để tôn vinh tác phẩm, trân quý các tác giả. Lunet Art hướng đến và minh chứng cho hoạt động chính là giám tuyển nghệ thuật chuyên nghiệp.

Cuộc đời là sự đối đãi, các tác phẩm trả lại cho đời những niềm vui, những xúc cảm.

Người nghệ sĩ, họa sĩ trả cho đời những giá trị cao cả của tâm tưởng và sự rung cảm mãnh liệt của cảm xúc.

Mình cũng phải trả lại cuộc đời cái gì đó chứ? Nhỉ? Lunet Art trả lại cho đời, cho nghệ thuật và công chúng một không gian trang trọng nhất – một không gian tôn vinh nghệ thuật và chia sẻ với công chúng yêu nó.

  • Chị đã dành rất nhiều tâm huyết cho Lunet Art và có một sự thật không thể phủ nhận được – đó là khi chúng ta dành tất cả tâm huyết vào điều gì đó, thì chúng ta sẽ luôn được mọi người đón nhận và sẽ thành công. Chị có nghĩ vậy không?

Tôi thấy rằng nhận định đó chưa hoàn toàn chính xác đâu. Để được mọi người đón nhận, để thành công, thì tâm huyết – chưa đủ, một trái tim nóng thôi – chưa đủ! Bên cạnh một tình yêu nhiệt huyết, chúng ta còn phải yêu bằng trí tuệ nữa.

Bằng sự trả giá của bản thân, cũng không nhỏ, tôi hiểu rằng, sự thành công nên bắt đầu bằng trái tim, nhưng đi như nào để đến đích và giữ vững con đường hạnh phúc mình đang đi, thì phải bằng trí tuệ nữa. Phải bằng trí tuệ để chinh phục được công chúng yêu nghệ thuật. Đó mới là thành công của Lunet Art.

  • Tôi hiểu thông điệp của chị. Có khi nào trên con đường hoạt động của Lunet Art khiến chị cảm thấy cô đơn?

Cô đơn là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí còn là cô độc. Nhưng đối với tôi, sự cô đơn trong nghệ thuật – nó là một đặc ân mà thượng đế ban tặng. Chung quy lại, sự cô đơn là khi không có người đồng cảm, chia sẻ. Đúng không? Và con người rất sợ phải cô đơn, nhưng tôi thì không.

Tôi biết rằng, mỗi tác phẩm nghệ thuật – chúng đều “biết nói” và chúng rất “giàu cảm xúc” đấy! Chúng cho mình không chỉ trí tuệ và xúc cảm, mà chúng tiếp thêm cho mình năng lượng và niềm tin nữa.

Đôi khi cảm giác cô độc – trong thế giới loài người, nhưng tôi không bao giờ cảm thấy cô độc trong thế giới của các tác phẩm nghệ thuật. Tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc ngọt ngào đó cho cộng đồng, và mong rằng có rất nhiều người dám “thổ lộ” tình yêu đó với nghệ thuật. Lunet Art sẽ là nơi để chia sẻ và bày tỏ tình cảm của người yêu… với nghệ thuật.

  • Giới phê bình nghệ thuật chuyên sâu đang có một nhận định rằng những triển lãm của Lunet Art vô cùng khác biệt, hướng tới một sân chơi chuyên nghiệp, đẳng cấp, tinh tế. Họa sĩ Mai Long đã vô cùng ngạc nhiên về sự hoành tráng, sự sang trọng của các triển lãm tại Lunet Art Galerie. Họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng cũng khẳng định sự dày công quy tập tác phẩm, sự chau chuốt trong trưng bày, đặt tác phẩm vào không gian sang trọng nhất – chỉ có thể là một tình yêu mãnh liệt và một trí tuệ thanh cao mới dám làm như vậy. Theo con mắt của lịch sử phê bình nghệ thuật thì Lunet Art đang đi tiên phong, mở đường cho một xu thế thưởng lãm nghệ thuật mà giới nghệ sĩ thực thụ luôn trông đợi ở người thưởng lãm?

Thật là cảm ơn và trân trọng đánh giá những nghệ sĩ.

Sự ghi nhận của các nghệ sĩ, như lời ghi nhận của những người cha – khi con gái mình được trao gửi cho chàng trai tử tế, trân trọng con gái mình nhất.

Thật cảm động! Từ phía nhà trai!

Với sự tin tưởng đó, Lunet Art chọn một đường đi rất khắc nghiệt và khó khăn, nhưng với khát khao góp sức mình làm thức dậy một văn hóa thưởng lãm nghệ thuật, mục tiêu là làm thức dậy một văn hóa ứng xử đối với các tác phẩm:

“Hãy thay vì coi chúng là thứ hàng hóa đắt tiền, thì hãy coi chúng là những giá trị đẹp đẽ như những nhân cách đắt giá. Chúng xứng đáng để chúng ta ngưỡng vọng chứ không phải để chúng ta chiếm dụng.”

Lunet Art muốn tạo dựng có một xu thế thưởng lãm nghệ thuật văn minh và sang trọng, những tác phẩm nghệ thuật có thể được sáng tác trong những căn xưởng tồi tàn nhưng chúng xứng đáng đặt vào nơi sang trọng nhất của tòa lâu đài.

Chúng sẽ tìm đến với những người biết trân trọng chúng, “Báu vật tầm quý nhân”.

  • Trong cuộc triển lãm của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, mọi người đọc thấy tình cảm trân trọng, tự hào lớn lao ở chị dành cho tác phẩm và nghệ sĩ?

Có lẽ cuộc đời là sự đối đãi, tôi yêu và trân trọng những gì thì tôi chia sẻ cho cộng đồng những thứ đó. Và bằng tất cả trí tuệ của tập thể và những cộng tác viên của Lunet Art – cuộc triển lãm như một lời tri ân với người nghệ sĩ đã quá cống hiến. Một cuộc triển lãm – có nghĩa gì so với cống hiến của đời nghệ sĩ vĩ đại đâu? Như một bài hát Trịnh Công Sơn: “Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi”

Hà Nội, tháng 2/2020

Vô Vi Trà Quán

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter