Gặp người không không thấy mặt

Tôi – một giám tuyển mà được ấn định bởi chức danh do công việc mà tôi chọn, chưa qua đào tạo tại các trường lớp chuyên nghiệp về nghệ thuật.

Bước chân vào thế giới nghệ thuật, mỹ thuật rộng lớn bao la của hội họa, chỉ với một trái tim rung cảm và bản năng, tôi bước đi như trong sương vào một cánh rừng xa lạ.

Nhưng với nghệ thuật, mình không chọn được, nghệ thuật chọn mình.

Những bước đi, tôi vừa đi vừa tìm kiếm con đường của mình. Những người nghệ sĩ mà tôi gặp, tôi cảm nhận họ hơn là nhìn thấy họ. Có lẽ vì vậy, tôi “gặp” được Cô – Họa sĩ Lê Mai Khanh.

Thường thì tôi không bao giờ chỉ xem một tác phẩm thông thường, trước tiên tôi ngắm thật lâu, thật nhiều, và để cho đầu óc và trái tim mình hoàn toàn trống trải trước nó. Rồi từ từ in nó vào đầu và lúc đó, tôi không còn nhìn nữa, tôi cảm nhận, tôi cảm thấy vui, tôi cảm thấy buồn, tôi cảm thấy hơi nóng, tôi cảm thấy giá lạnh, tôi cảm thấy sự đổ vỡ, tôi cảm thấy sự an lành… Và những tác phẩm của Cô, tôi từ từ (phải rất từ từ, tôi không thể hoặc chưa thể cảm nhận một tác phẩm ngay được) cảm thấy… Cô.

Cũng như những lần giám tuyển khác, tôi cảm nhận và đi tìm sự  lý giải cảm nhận nó, đi tìm nguồn cơn của những tác phẩm, đó là tìm ra người thai nghén ra chúng. Chợt tôi tìm ra một người nghệ sĩ, nhưng Cô đã xóa đi hết những hình ảnh về bản thân mình. Tôi không biết Cô là ai, tôi chỉ “cảm thấy” Cô. Có lẽ, đó cũng là cách Cô muốn tác phẩm của mình đến với công chúng. Những tác phẩm của Cô, tôi cảm thấy gần với tôi, sự rung động chạm đến trái tim tôi.

Tác phẩm: Bé Phương – Họa sĩ Mai Khanh

Tôi bắt đầu nhìn thấy một người phụ nữ, một người được yêu những cũng sẵn sàng hi sinh vì yêu. Người phụ nữ đó vừa bình dị, vừa đặc biệt, vừa hiền lành lại vừa kiên định. Những nét vẽ của Cô (nét khắc) cho thấy Cô là người như thế. Không cần những tác phẩm quá lớn, những tác phẩm nhỏ thôi nhưng nét vẽ dứt khoát, tự tin và nhiệt huyết. Nội dung rất đời thường, nhưng chưa bao giờ hết cảm xúc.

Với tác phẩm “bé Phương”, Giữa những nét rối bời vụn vặt bởi cái phông nền là những bông hoa trên rèm cửa, thì những mảng nét đều của mái tóc, hay chấm tròn đen như sâu thẳm của đôi mắt, Bé Phương đã rất đẹp. Chỉ qua tác phẩm nhỏ đó thôi, tôi nhìn thấy những rung cảm dung dị của một người mẹ, những rung cảm truyền qua tôi, một người phụ nữ cũng có những đứa con đáng yêu như vậy. Và tôi chọn tác phẩm “Bé Phương” làm biểu tượng của Triển lãm “Khắc Họa” tại Lunet Art Galerie.

Đi qua những cảm xúc dung dị nhất, tôi lại…cảm nhận được, người phụ nữ đó – Cô hồn hậu và thực sự thông thái, những tác phẩm khắc gỗ như “Thổi sáo”, “chăn châu”, cô đưa hình tượng chú tễu trong rối nước vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên. Có lẽ rằng cái thần cốt của những hình tượng này là nụ cười dí dỏm, hồn nhiên của những đứa trẻ thôn quê. Và màu sắc, đường nét của những tác phẩm cũng thật là bay bổng, không gian không còn là không gian thực nữa, đó là không gian đồng hiện nhưng nó hòa quện và tôi cảm thấy mình như đang bay theo những ngọn gió trên cánh đồng theo chiều của tiếng sáo. Bước vào thế giới của Cô, tôi không còn thấy mình nữa, tôi thấy mình như là Cô – đang cười với những đứa trẻ, đang nhìn chúng động viên chúng “chơi đi! Chơi đi”. Và chúng mỉm cười… với tôi – Cô.

Tác phẩm: Thiếu nữ bay 2 – Họa sĩ Mai Khanh

Và bước qua cả những cảm xúc mơn man hạnh phúc đó, tôi – Cô cũng dằn vặt, cũng đổ vỡ, như tác phẩm “chưa biết tên”. Những mảng màu vàng, không quá sáng, những bông hoa cách điệu – là hình những người phụ nữ nude, mỗi một hình là một tư thế với trạng thái cảm xúc khác nhau, sự đan cài của các hình tạo nên những không gian khác về những bàn thay, những bàn chân, đôi mắt. Tạo nên một không gian hỗn loạn… có trật tự như ý trí và nghị lực của Cô, Tôi thấy mình trong đó. Một mảng đen lớn, như hình một cái bình, lại có hình đôi mắt: một mắt nhắm, một mắt mở. Khoảng không trống trải đó, màu đen – có lẽ nào Cô cũng thế, như tôi, chỉ cho mình nhìn cuộc đời rất thật… một nửa thôi, còn một nửa tâm hồn còn lại là để dành cho khoảng không kia, đen thẳm bao trùm như sự trống rỗng, để cảm thấy mình (Tôi – Cô cảm thấy mình) là một… trong những “cánh hoa” kia.

Tài năng và khiêm nhường, cảm xúc và lý tính, yêu thương và nghiêm khắc, ấm áp và chông chênh, Cô – một người nghệ sĩ kỳ lạ, lặng lẽ xóa bỏ đi những bức hình về mình, ngay cả bức chân dung do người yêu thương nhất – Họa sĩ Nguyễn Vinh vẽ, Cô cũng xóa đi. Tôi gọi đó là bức chân dung tự họa của Cô.

Và có lẽ,đó là cách mà mọi người hình dung về người nghệ sĩ, họ sẽ không còn nhìn thấy hình ảnh của Cô nữa, họ chỉ còn có thể “cảm thấy” họa sĩ Mai Anh trong tác phẩm để lại mà thôi.

 

Luneta Phan

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter