Những ngày cuối năm, những cơn gió heo may khô hanh cuối thu đầu đông, chúng tôi ghé thăm căn xưởng nhỏ của họa sĩ Trần Nguyên Đán.
Người họa sĩ già, dáng người nhỏ, đôi bàn tay nhăn nheo, đồi mồi với từng nhát đục đều đều vào bản khắc mộc. Dường như thời gian chưa từng đi qua, chỉ khi ta đếm lại thì mới chợt nhận ra, ở tuổi 80 – Ông chưa khi nào nghỉ ngơi, vẫn không ngừng cống hiến cho cuộc đời những mảng màu đầy tính nghệ thuật, và chan chứa tâm hồn người Việt.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán bên bản khắc
Lunet Art: Chào họa sĩ Trần Nguyên Đán, Lunet Art rất vinh dự có được sự góp mặt của Ông trong “Triển lãm mỹ thuật – Khắc họa”, ông cảm thấy thế nào với triển lãm lần này?
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Trước tiên tôi rất cảm ơn Lunet Art đã có cái nhìn và có sự quan tâm tới các họa sĩ. Được Lunet Art mời góp mặt trong triển lãm “Khắc họa” tôi rất vui.
Triển lãm lần này hội tụ ba gương mặt nghệ sĩ có ba cách nhìn, ba quan điểm, ba cách biểu hiện khác nhau. Tôi tin cuộc triển lãm này sẽ rất vui và ghi dấu ấn cho Lunet Art cũng như bản thân các tác giả.
Lunet Art: Đấy cũng là một niềm vinh dự cho Lunet Art, Lunet Art rất ghi nhận những đóng góp của các nghệ sĩ trong triển lãm lần này cho nền mỹ thuật Việt Nam cũng như mảng đồ họa. Họa sĩ có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa ông đến với tranh đồ họa, đặc biệt là tranh khắc gỗ?
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Khi vào Đại học, tôi học về tranh kiến trúc chứ không học về đồ họa hay khắc gỗ. Năm cuối Đại học, lúc đang đi sơ tán, tôi bắt chước bạn bè làm ba bức tranh khắc gỗ, không ngờ ba tranh đó được trưng bày ở triển lãm do hội Mỹ thuật tổ chức, sau đó một tranh được Bảo tàng Mỹ thuật mua, một tranh đoàn khách bên Ý mua và một tranh nữa được mọi người khen rất nhiều.
Như một cái duyên trời, tôi nhận được tín hiệu đó, bắt lấy cơ hội, phát triển nó và trung thành với nó để có được ngày hôm nay.
Lunet Art: Trong hội họa, bên cạnh những kế thừa của mỹ thuật truyền thống là sự phát triển, tìm tòi cái mới – Thế hệ nghệ sĩ mới đã cho chúng ta thấy đồ họa đang phát triển theo hướng tích cực, luôn luôn tìm tòi, luôn luôn sáng tạo. Ông có chia sẻ gì về điều này?
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Với tôi, người họa sĩ quan trọng nhất là cá tính, sự sáng tạo, quan niệm, cái nhìn và thế giới quan riêng của bản thân. Nhưng về hình thức và cách biểu hiện thì không được lẫn lộn với ai, không lẫn lộn nước nọ nước kia. Đấy là cái mà người nghệ sĩ phải phấn đấu.
Khi mình cảm xúc thế giới quan, cách tiếp cận của mình sẽ khác với việc ghi lại hình ảnh bằng máy ảnh, khác với tranh của người vẽ trực họa. Nghệ thuật chính là giống và không giống.
Ví dụ như tôi vào Hội An, tôi nhìn tổng thể cấu trúc về kiến trúc – vì kiến trúc nói lên văn hóa. Khi tôi vẽ Hội An, tôi phải xem những người Hội An họ nhìn Hội An như thế nào? Người vãng lai đến nhìn Hội An như thế nào? Cách nhìn của mình phải là cách thứ ba. Tôi biết được bản chất, tôi biết được hình thức, cấu trúc của nó, tôi vẽ ra phố Hội An giống và không giống.
Tác phẩm: Hội An trong mắt tôi – Họa sĩ Trần Nguyên Đán
Lunet Art: Những hình ảnh về Hội An dường như đã in sâu vào tâm hồn của họa sĩ Trần Nguyên Đán. Ông không ngồi trên máy bay, cũng không ngồi trên tòa nhà cao tầng mà chỉ lang thang ở trong phố Hội An. Nhưng nhìn vào tranh của Ông ta thấy toàn bộ Hội An như được trải phẳng ra qua một góc nhìn rất rộng để thấy toàn cảnh của thành phố. Ông đã nâng góc nhìn của mình lên cao để miêu tả tổng thể Hội An. Nhìn trên cao mà không phải ngồi trên cao. Đây là trên cao của tâm tưởng, của hình tượng, của hình dung.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Tạo hình của con người, thiên nhiên, đất nước Việt Nam rất phong phú. Người họa sĩ bây giờ không phải chép thiên nhiên mà phải cảm thụ thiên nhiên qua cách của mình. Tinh thần chung của tôi là thế. Tôi làm đa dạng các đề tài vùng miền. Nó giống như người làm toán, anh làm các đề toán khác nhau, mỗi một đề toán anh phải có một phương pháp giải toán khác nhau. Trong sáng tác cũng thế, anh có nhiều đề tài tự nhiên hình thức nó sẽ thay đổi.
Nghệ thuật là thực và hư – thực hoàn toàn thì không gọi là hiện thực – thực và hư tạo nên nghệ thuật. Trong tranh tôi có yếu tố thực hư lẫn lộn nhưng nó hòa đồng với nhau. Cái nào cần khoa học thì khoa học, cái nào cần dân dã thì dân dã. Tức là không bị lệ thuộc vào một nguyên tắc nào.
Tôi không sáng tạo theo cái yêu thích của người xem mà tôi áp đặt người xem theo cái tôi làm. Có người chửi, có người phê phán, có người không thích là chuyện bình thường. Nhưng đó mới là thứ tôi truyền đạt lại. Đó mới là sáng tạo. Anh càng tự do bao nhiêu, anh càng chủ quan bao nhiêu thì sáng tạo mới xảy ra.
Lunet Art: Ông đã đi một chặng đường rất dài với tranh khắc gỗ, đó là cả cuộc đời Ông chứ không chỉ là cuộc đời nghệ thuật. Sự cống hiến của Ông dành cho nền Mỹ thuật nói chung cũng như đồ họa nói riêng là cái tâm của nghệ sĩ rất trong sáng, là tấm gương dành cho các nghệ sĩ.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Đến với nghệ thuật cũng là duyên phận. Làm nghệ thuật phải bền bỉ, kiên trì mới thành công. Nếu làm ngẫu hứng hay nhất thời, giải trí thì không thể đi đến nơi đến chốn được. Bản thân người nghệ sĩ cũng phải đủ sự tự tin, đủ bản lĩnh để theo đuổi nó.
Họa sĩ có người khéo tay cũng có người không khéo tay, tôi tự nhận tôi là người vụng. Bản thân tranh khắc gỗ nó bộc lộ ở một cái gọi là chân thành, có sao nói vậy, không uốn éo, nghệ thuật là thật thà.
Nếu bức tranh của tôi mà thuê nghệ nhân đục thì nét mềm mại, duyên dáng lắm nhưng nó thành mỹ nghệ ngay lập tức. Ưu điểm của tôi là ưu điểm của cái thật thà, ưu điểm của cái thô, ưu điểm như câu nói của người dân tộc chứ không phải ưu điểm của người làm tiếp thị. Và tôi biết được ưu điểm của mình.
Lunet Art: Tác phẩm của ông có bố cục rất độc đáo, có những mảng không gian lớn nhưng không bị loãng vì nó được đan cài trong đấy rất nhiều chi tiết. Nhiều chi tiết nhưng không hề rối, nó hòa hợp với nhau để tạo nên cái tổng thể hoành tráng, rộng lớn, có tính cô đọng. Vậy cách lựa chọn cụm hình ảnh, ý tưởng của ông được thực hiện như thế nào?
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Cách làm của tôi rất chủ quan, đi từ khái quát đến chi tiết. Cái đầu tiên là có ý tưởng, sau đó sắp xếp những mảng đen – trắng, mảng đặc – mảng trống, rồi mới chọn hình ảnh đưa vào những mảng ấy. Trong quá trình đó mình sáng tạo, dùng nhiều phương pháp để tạo nên hiệu quả. Sử dụng kỹ thuật riêng của bản thân và không bị lệ thuộc vào nguyên tắc của tranh in. Cái tôi phấn đấu là nói được ý tưởng của bản thân, vì vậy tranh của tôi mang thương hiệu của tôi.
Tác phẩm: Bến đục chùa Hương – Họa sĩ Trần Nguyên Đán
Lunet Art: Các tác phẩm của Ông đều có nhịp điệu, người ta nghe thấy cả âm thanh dân gian trong tác phẩm. Nó có những nhịp điệu rất vui tươi. Kể cả trong sự bình yên của phố cũng có những nhịp điệu sống chứ không phải là sự tĩnh lặng.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Tranh của tôi sử dụng đa dạng về đường nét, đường thẳng phối hợp với đường cong, đường tròn, đường gấp khúc. Nhịp điệu trong tranh của tôi bộc lộ ở các mảng, ở đường nét đa dạng, trong sự đậm nhạt của màu sắc. Có những mảng trắng, mảng trống không họa tiết nhưng có những mảng lại dày đặc, cái nọ tôn cái kia. Đấy là cái riêng biệt của mỗi người họa sĩ.
Lunet Art: Với mỗi tác phẩm, Ông mất bao nhiêu thời gian từ lúc lên phác thảo cho đến khi giải quyết bản khắc?
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Thông thường, một tranh xử lý từ đầu cho đến khắc mất khoảng một tháng rưỡi. Mấy hôm nay tôi đang làm bức cuối về đề tài Hội An. Lần trước Lunet Art đến là tôi còn chưa vẽ, làm đêm không ngủ được nhưng mà thích, mai kia sẽ công bố. Từ giờ đến Tết còn nhiều thời gian, mỗi ngày tôi khắc một ít. Tết tôi cũng không đi chơi, ở nhà có cái bánh chưng ăn và khắc cũng thấy vui.
Làm nghệ thuật có những lúc phải dùng nghị lực và dùng kỷ luật để làm việc chứ không chỉ hứng thú đâu, nhưng quan trọng phải giữ được cái không khí.
Tác phẩm: Vũ khèn Hơ Mông – Họa sĩ Trần Nguyên Đán
Lunet Art: Cách sáng tạo của Ông rất hồn nhiên, thích khám phá, tìm kiếm cái mới liên tục chứ không dừng lại ở tranh in. Đi đến đâu ông cũng ghi chép lại, bất kỳ thứ gì trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể làm cho Ông rung động và trở thành cảm hứng sáng tác. Có phải vì vậy mà các tác phẩm của Ông rất đời, rất gần gũi không?
Họa sĩ Trần Nguyên Đán: Anh Thẩm Đức Thụ có nói tôi một câu: “Ông là người khoan giếng, ông cứ khoan, nước nó cạn ông lại khoan nó lại có nước”. Khi đã lựa chọn hiến thân cho nghệ thuật khắc gỗ, người họa sĩ không được mặc cảm, anh phải tự tin thì mới có thể theo nghề. Và quan trọng nhất là phải đọc được thể trạng của mình, biết được thế mạnh của mình, biết được mình phù hợp với cái gì chứ không phải chạy theo xu thời, theo trào lưu. Họa sĩ mà không biết khai thác thế mạnh của mình mà lại đi vào thế yếu để theo cái thời thượng thì cũng coi như bại trận.
Tôi có những cách làm, những kỹ thuật riêng của tôi, có nhiều người phê phán tôi làm đồ họa mà còn dùng tay. Tôi kệ. Tranh tôi mang thương hiệu của tôi chứ không giống bài học của ông Giáo. Chính vì thế nó sáng tạo, nếu mình bị lệ thuộc vào bài học trong trường nhiều quá thì sẽ không sáng tạo được.
Lunet Art: Trong quá trình sáng tạo, cái tôi của người nghệ sĩ tức là cái ngôn ngữ riêng, tư duy riêng, cảm nhận riêng mới là cái mà cộng đồng nghệ thuật trân trọng. Họa sĩ có thể phiến diện, lập dị nhưng anh ta khẳng định được cái tôi của anh ta. Đấy mới là cái được ghi nhận trên phương diện sáng tạo nghệ thuật. Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này.
Tranh của họa sĩ Trần Nguyên Đán vừa có biểu hiện nhưng lại có cả trừu tượng, thâm chí có cả siêu thực và luôn có cái gì đó rất dân tộc. Cách Ông xử lý những mảng màu, những chi tiết đan cài vào nhau tạo ra một không gian, một cách biểu đạt rất riêng biệt mang màu sắc đậm chất văn hóa người Việt, đậm đà tâm hồn người Việt.
Quả đúng như nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng từng nói: “Tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán luôn luôn gợi một thứ gì đó làm cho người ta liên tưởng đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng nhưng nó có một nét riêng biệt, bút pháp đa dạng và súc tích”.
Văn Ngọc