NHỮNG NÉT MỚI VỀ NGÔN NGỮ VÀ HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG ĐỒ HỌA HIỆN ĐẠI

“Ngôn ngữ đặc trưng của đồ họa là nét, chấm, mảng để diễn tả và xây dựng hình tượng trong tranh. Đồ họa còn sử dụng các màu sắc khác nhau nhưng dùng nhiều hay ít màu, đồ họa vẫn lấy đường nét, chấm, mảng để làm phương tiện diễn đạt chủ yếu”. Đây cũng chính là ngôn ngữ tạo hình của tranh khắc gỗ.

Với những thay đổi về chất liệu, kỹ thuật chế bản và in ấn, các hoạ sĩ đã dần tạo ra nhiều xu hướng trong nghệ thuật tranh khắc gỗ, thông quá đó để thể hiện các ý tưởng, phong cách riêng của mình. Có thể nhận ra một cách rõ nét về sự đa dạng phong cách, xu hướng nghệ thuật trong tranh khắc gỗ Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ gần đây. Các phong cách, xu hướng như: Hiện thực, tượng trưng, biểu hiện, siêu thực, trừu tượng, trang trí, pop đều có thể thấy trong tranh khắc gỗ giai đoạn này.

Tác phẩm Mẹ con – Họa sĩ Mai Khanh

Trước các sự kiện diễn ra của đời sống xã hội đã gây ra cho họa sĩ nhiều xúc cảm. Để thể hiện những cảm xúc, quan điểm của mình trước các hiện tượng cuộc sống, nhiều họa sĩ đã đi theo xu hướng biểu hiện để thể hiện tác phẩm của mình. Bằng những đường nét mạnh mẽ tạo ra những hình khối đầy biểu cảm. Những tác phẩm đã nói lên phần nào phản ứng của các tác giả trước cuộc sống thực tại với nhiều biến đổi bên trong và bên ngoài mỗi con người hiện đại.

Các tác phẩm in trên da thú, các phương pháp chế bản in cao su dạng modul có sự tham gia của công nghệ khắc CNC hay được thực hiện bằng kỹ thuật khắc con dấu bởi nghệ nhân phố cổ Hà Nội của Họa sĩ Phạm Khắc Quang đã cho thấy những khám phá mới về phương pháp sáng tác.  Từ ngôn ngữ đường nét, mảng và bằng ý tưởng, quan niệm riêng về tạo hình các tác phẩm khắc gỗ hiện đại trong giai đoạn hiện nay mang tính thẩm mĩ cao, thu hút người xem bởi ý tưởng sâu sắc và kỹ thuật thể hiện chuyên nghiệp.

Ngoài những đổi mới về cách tiếp cận, đặt vấn đề trong hình thức tạo hình, những cái nhìn mới về hình thức nghệ thuật của tranh khắc gỗ, mong muốn tranh khắc gỗ đi đến gần với công chúng. Tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam đã bắt đầu bước theo những xu hướng mới của nghệ thuật đương đại, trở thành một trong những phương tiện tham gia hiệu quả vào quá trình phát triển nghệ thuật đương đại. Những tác phẩm khắc gỗ đương đại thu hút đông đảo các tầng lớp xã hội đến xem và gây ấn tượng với giới phê bình mỹ thuật.

Một cuộc triển lãm mỹ thuật “KHẮC HỌA” tại Lunet Art Galerie, với các tác phẩm được tuyển tập công phu, đưa người xem vào một chiều sâu không gian nghệ thuật của đồ họa tạo hình nói chung và tranh khắc gỗ nói riêng, đã không chỉ cho công chúng yêu nghệ thuật nhận thấy vai trò, tiềm năng phát triển của nó trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, mà còn cho thấy những vấn đề phức tạp của đời sống thể hiện như thế nào qua ý tưởng của mỗi tác giả, qua tâm hồn và lăng kính của người nghệ sĩ nhạy cảm.

Tác phẩm bắt cá – Họa sĩ Mai Khanh

Bên cạnh những nét khắc truyền thống với những đường nét mộc mạc, hồn hậu, mảng miếng đen – trắng nhịp điệu dân gian, những gam màu tươi xốp dung dị, là sự đa dạng phong phú về đường nét, màu sắc, “dao pháp”, phong cách, cách đặt vấn đề về nội dung đã thực sự tạo ra sức sống tươi mới cho tranh khắc gỗ.

Những đổi mới về nội dung, hình thức tạo hình luôn song hành cùng những thay đổi tiến bộ, đa dạng hóa về chất liệu, kỹ thuật chế bản và in ấn. Qua cách sử dụng đường nét tinh vi, sắc xảo, mảng hình linh hoạt, màu sắc đơn giản của các chất liệu, kỹ thuật mới. Các tác phẩm tranh khắc gỗ hiện đại đã đem lại hiệu quả thị giác cao về ngôn ngữ tạo hình, các xu hướng tạo hình, màu sắc và hình thức thể hiện.

Tranh khắc gỗ đương đại đã thu hút, lôi cuốn người thưởng thức nghệ thuật và nhìn nhận mới của giới chuyên môn. Những nỗ lực và đam mê sáng tạo của các hoạ sĩ đồ hoạ tạo hình nói chung và tranh khắc gỗ nói riêng đã được đánh giá cao về nội dung, ngôn ngữ tạo hình, chất liệu, kỹ thuật, hình thức thể hiện, qua đó khẳng định vị trí xứng đáng của mình trong nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter