Tập trung về đồ họa tạo hình, triển lãm mỹ thuật “Khắc họa” giới thiệu bộ tuyển tập khoảng 50 tác phẩm của ba gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu với những quan điểm, cách nhìn nhận và biểu hiện riêng biệt, mang phong cách đặc trưng. Thông qua đó, đơn vị tổ chức triển lãm mong muốn mang đến những phác thảo cụ thể về hành trình phát triển và những đóng góp của đồ họa Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử và hiện tại đối với mỹ thuật Việt Nam nói chung.
Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh năm 1941 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp từ năm 1971, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm ở trong nước, ngoài nước với nhiều giải thưởng cao và vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2007. Tranh của ông vừa mang tính tả thực, biểu hiện, vừa trừu tượng, phảng phất một chút siêu thực, nhưng luôn thấm đẫm tính dân gian truyền thống và hồn cốt dân tộc. Chủ yếu phản ánh đề tài thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của người dân ở nông thôn, thành thị trên các vùng miền, tác phẩm của ông bố cục độc đáo với những mảng không gian lớn, song không bị loãng vì đan cài nhiều chi tiết hòa hợp để tạo nên tổng thể hoành tráng, có tính cô đọng. Có thể thấy điều đó trong các tác phẩm: Phố cổ Hội An, về chợ phiên Bắc Hà, Bến Đục chùa Hương, Múa khèn…
Tài năng và khiêm nhường, song cũng đầy cảm xúc và lý trí, đó là những cảm nhận của người xem khi cảm nhận về những tác phẩm của cố nữ họa sĩ Lê Mai Khanh, người đã từng tham gia giảng dạy, đào tạo các họa sĩ Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sinh năm 1952, mất năm 2017, cố họa sĩ Lê Mai Khanh đã để lại nhiều tác phẩm ấn tượng, thể hiện một tâm hồn phụ nữ yêu thương khá rõ ràng, hồn hậu mà đầy thông thái. Chỉ là những tác phẩm nhỏ về kích cỡ, không quá lớn, nhưng gói trọn trong đó những ý tưởng sáng tạo, không ngừng tìm tòi, khám phá với nét vẽ dứt khoát, tự tin và nhiệt huyết, biểu đạt góc nhìn về đời sống và con người trong những sinh hoạt rất đời thường. Nữ họa sĩ đã đưa vào trong tranh những hình tượng gần gũi, thân quen của đồng quê, nông thôn Việt Nam một cách tự nhiên như các bức Thổi sáo, Chăn trâu, Bé Phương… Màu sắc, đường nét của tác phẩm luôn cho thấy sự bay bổng trong một không gian hòa quyện giữa siêu thực và hiện tại.
Luôn tìm hướng thay đổi trong những sáng tạo, họa sĩ Phạm Khắc Quang, sinh năm 1975, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2002, lại chú tâm vào những tác phẩm tranh khắc gỗ có tính biểu đạt cao với những ý tưởng mới lạ, từ cấu trúc đến các sắc độ đậm nhạt, hình khối, nhưng phải cô động, ngắn gọn. Xem tranh của họa sĩ như bước vào những câu chuyện và cuộc giải mã của những ý niệm mà ở đó dường như tác giả thể hiện bằng những tín hiệu của ngôn ngữ đồ họa mang tính đương đại, song vô cùng logic và chuẩn xác như khoa học.
Theo bà Luneta Phan, Giám đốc nghệ thuật của Lunet Art, với Triển lãm mỹ thuật “Khắc họa”, ban tổ chức muốn đưa những giá trị của đồ họa tạo hình đến với cộng đồng, hướng đến những tác phẩm nghệ thuật đạt được giá trị cao, giới thiệu với công chúng một tuyển tập chắt lọc của đồ họa, vừa mang tính hàn lâm, kinh điển, vừa thật sự mang đậm bản sắc và tâm hồn Việt Nam. Thời gian tới, Lunet Art sẽ tiếp tục tạo ra những không gian trưng bày như vậy cho các tác giả tài năng và tìm kiếm cơ hội phát triển cho các nghệ sĩ.
Triển lãm mỹ thuật “Khắc họa” sẽ mở cửa trong hơn hai tháng và kết thúc vào ngày 27-2-2021.