VẤN ĐỀ TRÌNH BÀY THÔNG TIN TRÊN TÁC PHẨM TRANH IN

Trong thực hành nghệ thuật tranh in, việc trình bày thông tin về bản in và ký tên bằng cách viết tay lên phần giấy phía dưới khuôn hình in (lề tranh) trở thành vấn đề nghề nghiệp vì sự minh bạch cần thiết cho những nhà sưu tập.
Khi nhiếp ảnh đã ra đời làm thay đổi vai trò của các phương tiện in ấn thủ công và lúc đó vấn đề tính nguyên bản của tác phẩm nghệ thuật tranh in được đề cập một cách gay gắt hơn. Việc thực hành ký tranh hay trình bày thông tin tranh in như một thông lệ, một nguyên tắc hay quy định được đặt ra vào thập niên 1850 và đi vào nề nếp và được tuân thủ một cách có hệ thống sau đó khoảng 10 năm.

Cho đến nay, giới nghiên cứu tranh in vẫn cho rằng Seymour Haden và James McNeill Whistler là hai họa sỹ đầu tiên đề ra và thực hiện việc “ký tranh” với đầy đủ thông tin về ấn bản tranh in, kỹ thuật thể hiện và tên tác giả bằng bút chì phía dưới cạnh đáy tác phẩm (xem tại: https://www.britannica.com/art/printmaking). Quy định hay thủ tục cần thiết để khẳng định giá trị tác phẩm tranh in như vậy nhanh chóng được phổ biến rộng rãi từ thập niên 1880 ở Pháp, Anh và đến thời gian trước và sau năm 1900 thì phát triển ở nhiều nước Châu Âu.
Như vậy, từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 các quy định về trình bày thông tin tác phẩm ngay trên mỗi bức tranh in ra được thực hiện xuyên suốt như một yêu cầu và là yếu tố hàng đầu để xác định giá trị nguyên gốc, tính bản quyền tác giả. Đó cũng là bước đi nhằm mục đích đưa thể loại tranh in thoát hoàn toàn khỏi định kiến về dạng nghệ thuật phiên bản, gia tăng giá trị độc lập của nó và cũng để tránh việc khó kiểm soát lượng bản in, qua đó tạo tính minh bạch, khoa học trong định giá, giao dịch, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản tranh in.


Theo thời gian, quy định về trình bày thông tin trên tranh in được hoàn thiện và trở thành thông lệ quốc tế, được thực hiện ổn định ở nhiều nước. Song, ở Việt Nam, việc này mới chỉ được thực hiện một cách chính thức, một cách rộng rãi và chặt chẽ từ cuối những năm 1990.
Với quy định này, mỗi tranh in phải được chính tác giả ghi các thông tin về từng ấn bản, kỹ thuật, chất liệu thể hiện, tên tác phẩm, chữ ký và thời gian in. Trong tiếng Anh việc ghi thông tin tác phẩm tranh in được gọi là “Sign up” hay “Signing and Numbering”, “Editioning” và ở một số ngôn ngữ phổ biến khác cũng tương đương như vậy, chúng đều có ý nghĩa là “ký tên” hay “ký tên – đánh số” lên tác phẩm. Như vậy, khác với hội họa hay điêu khắc, trong sáng tác tranh in, việc xác định bản quyền tác giả và tính nguyên gốc không chỉ ở chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật thể hiện mà còn nằm ở chính việc ghi thông tin tác phẩm và ký tên tác giả phía dưới cạnh đáy của tranh. Việc đánh số thứ tự bản in trong tổng số lượng các bản in góp phần vào việc xác định giá trị giao dịch của nó. Những bản in đầu thường có giá trị cao hơn.

QUY CÁCH TRÌNH BÀY THÔNG TIN TRÊN BẢN IN
ĐỐI VỚI BẢN IN THỬ
Trước khi in những bản in chính thức thông thường nghệ sĩ phải tiến hành in nháp hay còn gọi là in thử. Điều này hết sức quan trọng đối với người nghệ sĩ sáng tác tranh in, vì đó là những căn cứ để điều chỉnh khuôn in, mực in…và các khâu liên quan để tạo hiệu quả tốt nhất cho tác phẩm in ra chính thức. Số lượng bản in nháp cũng có những quy ước riêng, không thể tùy tiện, thông thường có giới hạn 3-5 bản. Bởi vậy, thông tin cần đưa ra của bản in nháp cần tuân thủ đúng quy định. Cụ thể thông tin cần đưa ra gồm có các phần được ghi ở phía dưới cạnh đáy của tranh theo thứ tự: số thứ tự bản in /tổng số bản in nháp, tên thể loại, chất liệu hoặc kích thước, tên tác phẩm, tên tác giả, năm sáng tác. Theo quy ước chung, thông tin về số lượng bản in nháp được trình bày bằng số La mã để phân biệt với số ghi trên bản in chính thức là số Ả Rập. Như vậy lần lượt tương ứng với 5 bản in nháp sẽ là 5 cặp số La mã: I/V, II/V, III/V, IV/V, V/V. Dạng bản in nháp này trong tiếng Anh gọi là trial proof.
Nếu bản in nháp được ghi là B.A.T (viết tắt của cụm từ “bon à tirer” trong tiếng Pháp), đồng nghĩa với “good to print” trong tiếng Anh, thì nó có ý nghĩa chỉ bản đó là bản in nháp cuối cùng tốt nhất, mang tính chất làm mẫu để tiến hành in những bản chính thức theo số lượng có giới hạn đã được định trước – Editioning.


ĐỐI VỚI BẢN IN CHÍNH THỨC
Sau khi đã in nháp xong, thông thường các họa sỹ tự tay in riêng cho mình một lượng bản nhất định, thông thường từ 5 đến 10% của tổng số ấn bản xác định mà thôi. Sau đó phần nhân bản với số lượng giới hạn do thợ in đảm nhiệm. Trong trường hợp này người ta gọi là “Artist Proof” hay “Proof of Artist” (bản dành riêng cho tác giả) và được ký hiệu là A/P hay P/A, hoặc E.A, (Estamp de Artist) – E/A. Tuy nhiên, ngày nay việc in tranh chủ yếu do tác giả tự thực hiện hoặc một số thì có trợ lý, người giúp việc, nên thường cũng ít người đề là A/P (hay A.P, E.A) trên bản in.


Bên cạnh đó, một số ấn bản do chính tác giả thực hiện dành để biếu, tặng thì có ký hiệu H.C hay H/C (tiếng Pháp: Hors de commerce), nghĩa là phi thương mại. Ký hiệu H/C, H.C hay A/P, P/A, E.A được ghi cùng với chữ số ghi thông số bản in, có thể ở phía trước hay phía sau (ví dụ: A/P. 1/3… hay 1/3 A.P…). Các thông tin còn lại ghi như quy định chung (Hình 1, 2).
Chỉ sau khi in bản nháp và các bản in với mục đích dành riêng cho tác giả hay để biếu, tặng thì tiến hành in nhân bản theo giới hạn số lượng xác định trước. Ở đây cũng cần lưu ý rằng, các thủ tục in nháp, in dành riêng như trên chỉ mang tính chất nguyên tắc, trong thực tế thực hành tranh in hiện nay, hầu hết tác giả đều tự in tranh của mình. Việc đề thêm các ký tự chỉ nhằm phân biệt và gia tăng giá trị hay tính sở hữu đối với ấn bản tranh in mà thôi. Khi đã hoàn chỉnh lượng ấn bản tranh in theo ý đồ định trước, họa sỹ tiến hành đánh số, trình bày thông tin, ký tên tác giả vào vị trí quy định trên mỗi bản in ra.


Cho đến nay có một vài “phong cách” ghi thông tin trên bản in. Nhưng phổ biến nhất, được đa phần các họa sỹ thực hiện, thì những thông tin cần phải ghi ở phần đáy của tranh được trình bày theo thứ tự sau:
– Ở phía trái đề số thứ tự của bản in trên tổng số lượng tranh in ra của một edition (lượt in), tiếp đó là các ký hiệu đặc biệt (A.P hay H.C như nói trên) rồi đến tên kỹ thuật, chất liệu thể hiện hay phương pháp in;
– Ở giữa đề tên tác phẩm;
– Ở phía bên phải là chữ ký tác giả và năm sáng tác/ hay năm in.
Toàn bộ các thông tin đó phải được ghi một cách rõ ràng bằng bút chì có độ mềm trung bình (2B hay 3B) ở phía dưới cạnh đáy của tranh, không được ghi bằng bất kỳ loại bút nào khác và không được để nét chữ bằng chì chạm vào mép tranh hay vượt ra ngoài giới hạn hai cạnh bên của nó quá nhiều, càng không được ghi lên bo tranh (Hình 3).
Ngoài ra, còn có một số hình thức ghi thông tin tác phẩm theo trật tự khác. Ví dụ như số bản in có thể ở giữa hay ở phía bên phải dưới cạnh đáy tranh (Hình 5).


ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
– Với một số trường hợp tác phẩm có bố cục đặc biệt hay không phải khuôn khổ vuông thành sắc cạnh thì vị trí của các thông tin cũng linh hoạt và mang tính nghệ thuật hơn, hài hòa với khuôn tranh (Hình 6).
– Với tranh in tràn lề, các thông tin ghi đè lên phần hình in trong bố cục và cũng theo các vị trí ở mép dưới tranh một cách hài hòa với tổng thể chung, không làm ảnh hưởng xấu tới tác phẩm. Phần ghi không được quá sát mép ngoài tranh mà phải cách khoảng 0,5cm (Hình 7, 😎.
– Có một số họa sỹ sau khi chế bản có thể in tranh làm nhiều đợt cách nhau một quãng thời gian dài vài tháng hay vài năm, mỗi đợt có số bản in nhất định. Trong trường hợp này sẽ phải thêm chữ số la mã thể hiện lượt in vào trước hoặc sau số bản in. Vì dụ lần thứ nhất tác giả in 5 bản từ một khuôn in thì đề là I, 1/5… hay 1/5, I…; lần thứ hai cũng in tổng số 5 bản thì ghi là II, 1/5… hay 1/5, II…rồi đến các thông tin khác theo quy định (Hình 9).
Tóm lại, trình bày thông tin lên tranh in là hết sức quan trọng và cần thiết. Đó là minh chứng cho sự khai sinh ra một tác phẩm bởi người sáng tác, là cơ sở cho công việc nghiên cứu và đặc biệt cần thiết cho các nhà sưu tập nghệ thuật chuyên nghiệp. Đó là bằng chứng về giá trị sáng tạo nguyên bản tương ứng với số lần in của các tác giả trong tổng thể hệ thống được nhân bản của một tác phẩm đồ họa độc lập.


Những bản được ký tên phải là tranh in đạt chuẩn về kỹ thuật thể hiện, diện tích giấy xung quanh phải sạch sẽ, gọn gàng. Trong trường hợp in tràn lề thì cần giữ mép giấy không bị quăn. Mặt sau của tác phẩm phải sạch sẽ tuyệt đối.
Nhưng trên thực tế đa dạng của nghệ thuật, các cách trình bày thông tin bản in giờ đây có sự linh hoạt hơn. Tùy vào tính chất bố cục của tác phẩm mà tác giả chọn vị trí để ghi thông tin và ký sao cho rõ ràng và đem lại tính nghệ thuật cho tổng thể bức tranh in.

Nguồn: Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter