Triển lãm thư pháp Quốc ngữ kết hợp ánh sáng

Hơn 800 tác phẩm thư pháp Quốc ngữ được sắp đặt với hệ thống ánh sáng, tạo hiệu ứng tương tác người xem.

Một số tác phẩm của triển lãm thư pháp Quốc ngữ Nghiên bút còn thơm tại khu Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Sự kiện do Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), diễn ra từ ngày 31/8 đến 25/9.

Ngoài 70 tác phẩm chính, không gian trưng bày có 693 bức vẽ nhỏ, được tạo ngẫu hứng trong quá trình sáng tác của 15 tác giả.

Nội dung những bức thư pháp được lấy cảm hứng từ thơ văn Quốc âm (chữ Nôm), Quốc ngữ của các danh nhân trong nước như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các tác giả còn sử dụng những nội dung văn chương hiện đại viết về Thăng Long, Hà Nội.

Toàn bộ tác phẩm đều được soi sáng từ bên trong, giúp các nét chữ, vết mực nổi bật, thu hút người xem.

Trên mái khu Thái Học có các dải băng giấy thư pháp, tổng chiều dài 200 m. Theo giám tuyển Xuân Như (tên thật Vũ Thanh Tùng), điều này thể hiện mối liên kết giữa 15 tác giả là những thư pháp gia đến từ ba miền đất nước.

Tác phẩm Văn Miếu.

Giám tuyển Xuân Như cho biết anh cùng những người thực hiện triển lãm mong muốn chia sẻ góc nhìn mới, đa chiều hơn về thư pháp quốc ngữ. ”Trước kia chữ Hán, chữ Nôm tạo nên bề dày về văn hóa, lịch sử của dân tộc ta, còn chữ quốc ngữ ngày nay chính là công cụ để viết tiếp những trang sử đó”, anh nói.

Câu hát ”Tiếng ve kêu râm ran suốt đêm hè. Giọng dân ca sao gợi nhắc Hồ Gươm” trong ca khúc Hà Nội đêm trở gió (nhạc sĩ Trọng Đài, lời thơ Chu Lai).

Tại khai mạc triển lãm chiều 31/8, ông Bùi Chính Hưng – đại diện nhóm tác giả – cho biết: ”Chúng tôi muốn gửi thông điệp về sự trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là thư pháp chữ Quốc ngữ”.

Ông Lê Xuân Kiêu – giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – nói mong muốn thực hiện các triển lãm có những sáng tác mang tư duy nghệ thuật mới, kết hợp tân cổ điển – bán hiện đại.

Khách tham quan triển lãm.

Nguồn: Vietnamnet

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter